Năm 2018 ước tính Việt Nam có hơn 3.000 startup, được cho là lớn thứ 3 ở châu Á. Vốn đầu tư cho startup Việt Nam tính đến năm 2018 là 889 triệu USD gấp 3 lần 2017.
Phát biểu tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Ventures Summit 2019), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư – Nguyễn Chí Dũng đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.
Năm 2018 ước tính Việt Nam có hơn 3.000 startup, được cho là lớn thứ 3 ở châu Á. Lượng vốn đầu tư vào các startup cũng tăng cao trong các năm gần đây. Chỉ trong 3 năm gần đây, vốn đầu tư cho startup ở Việt Nam tăng khá nhanh. Năm 2018 vốn đầu tư cho startup là 889 triệu USD gấp 3 lần 2017, 5 lần năm 2016.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam coi đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng hàng đầu trong thời gian tới. Trong đó, 4 trụ cột chính của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam gồm: nguồn nhân lực; vốn; hạ tầng và thể chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Về nguồn nhân lực, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam hiện sở hữu nguồn nhân lực công nghệ dồi dào, thị trường năng động, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Về nguồn vốn và thể chế, các cơ quan quản lý của Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các chính sách khuyến khích, cải cách thể chế về đầu tư mạo hiểm để các dòng vốn đầu tư mạo hiểm có thể tìm đến các startup một cách thuận lợi nhất.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, mục tiêu là tăng cường mối liên kết các doanh nghiệp khoa học công nghệ, các quỹ đầu tư, các nhà tư vấn, trường, viện nghiên cứu.
Hơn nữa, trên thế giới đang xuất hiện một làn sóng đầu tư kiểu mới, đó là đầu tư mạo hiểm hướng tới các doanh nghiệp công nghệ, nhất là ở các thị trường có nhiều tiềm năng, cơ hội tăng trưởng.
Tận dụng xu thế này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tiếp xúc, trao đổi với các quỹ đầu tư quốc tế, đối thoại để thu hút đầu tư vào Việt Nam. Nhìn chung cộng đồng các quỹ đầu tư quốc tế rất quan tâm đến thị trường đổi mới sáng tạo và ủng hộ kết nối với các trung tâm, các startup của Việt Nam để cùng phát triển.
Về mặt hạ tầng, cũng như các trung tâm đổi mới sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được cho là đang thúc đẩy ra đời Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, dự kiến có thể khánh thành vào cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, một yếu tố cũng được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao, đó là hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gấp đôi so với 2015.
Đáng chú ý, nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC, CenGroup… Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau.
Do đó, thời gian tới, Bộ cam kết hỗ trợ hết sức cho một cộng đồng đổi mới sáng tạo năng động, gắn kết và chất lượng cao ở Việt Nam và các nước để tất cả những người tham gia cộng đồng được có cơ hội học hỏi, nâng cao các kỹ năng tìm kiếm được các nguồn tài chính để có điều kiện phát triển, hoàn thiện ý tưởng công nghệ của mình.
PV