Đây là cách Hà Nội tiến tới thành phố khởi nghiệp: Sẽ thành lập 5 vườn ươm doanh nghiệp, ngay cuối tháng 8 mở hội nghị Hanoi Innovation Summit quy tụ 3.000 đại biểu với hơn 100 startup
“Tháng 7 vừa qua, với khát vọng vươn lên bằng sự sáng tạo, tăng cường hội nhập quốc tế, Hà Nội đã nộp hồ sơ ứng cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Trọng tâm của Hà Nội là đặt sự sáng tạo, đặc biệt từ góc độ thiết kế vào trung tâm của sự phát triển bền vững, với tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á”, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết.
Mục tiêu trở thành thành phố khởi nghiệp của Hà Nội được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đặt ra từ năm 2016. Đến nay, thành phố đã có nhiều động thái tích cực trong việc hỗ trợ giới startup.
“Việc xây dựng môi trường thuận lợi để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thành phố triển khai trong những năm gần đây“, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết trong buổi họp báo về sự kiện Hanoi Innovation Summit 2019 mới đây.
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có thể kể đến là Đề án Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội, được thực hiện từ cuối năm 2016.
“Vườn ươm này vẫn đang hoạt động và được đặt trực tiếp tại Sở Khoa học và Công nghệ. Hàng năm có rất nhiều dự án về công nghệ thông tin và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được ươm tạo tại đây”, ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, thành phố cũng ban hành đề án riêng về việc hỗ trợ phụ nữ thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2025, Đề án hỗ trợ khởi nghiệp chung cho Hà Nội đến 2020, liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế chính sách, để làm sao có thể tăng được số lượng doanh nghiệp của thành phố.
Gần đây nhất, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 8/7/2019 về việc thông qua chủ trương ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 – 2025 và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thuộc Đề án.
Mục tiêu chính của đề án là hướng đến hình thành và phát triển mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của thành phố để thực hiện vai trò kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thủ đô.
Bên cạnh đó, hướng tới thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo đến cộng đồng, nhất là sinh viên, thanh niên và đội ngũ tri thức; hướng tới việc hỗ trợ hình thành thêm từ 3 – 5 vườn ươm doanh nghiệp hoặc không gian khởi nghiệp chung để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố.
Hà Nội nhắm tới mốc 2025 sẽ hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo, 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.
“Tháng 7 vừa qua, với khát vọng vươn lên bằng sự sáng tạo, tăng cường hội nhập quốc tế, Hà Nội đã nộp hồ sơ ứng cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Trọng tâm của Hà Nội là đặt sự sáng tạo, đặc biệt từ góc độ thiết kế vào trung tâm của sự phát triển bền vững, với tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện“, ông Tuấn bổ sung.
Một hoạt động hỗ trợ sắp tới là Thành phố phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức đổi mới sáng tạo toàn cầu Schoolab (Pháp) tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Hà Nội 2019 (Hanoi Innovation Summit), quy tụ gần 3000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, cơ quan Trung ương và các lãnh đạo thủ đô Hà Nội, hơn 100 diễn giả, 50 nhà đầu tư tập đoàn công nghệ quốc tế tên tuổi và hơn 100 startup.
Xoay quanh chủ đề “Đổi mới sáng tạo hướng đến tính bền vững và sự tham gia đa thành phần ở các nền kinh tế mới nổi”, hai chủ đề lớn sẽ được chia các diễn giả đưa ra đàm luận trong hai ngày 29-30/8 đó là: “Hành tinh và những thành phố của chúng ta – Sự sáng tạo ở mức độ cơ sở hạ tầng” và “Các tổ chức và cuộc sống của chúng ta – Sự sáng tạo ở cấp độ con người”.
Với những thông tin đa dạng và những kinh nghiệm thực tế phong phú đến từ các doanh nghiệp, tổ chức thế giới, Diễn đàn năm nay không chỉ đặt ra câu hỏi mà còn kỳ vọng tìm ra lời giải và hướng đi thích hợp cho các vấn đề lớn về Môi trường, Thành phố thông minh, Di động & Hậu cần, Khoa học đời sống, Tương lai của việc làm, Công nghệ người tiêu dùng.
Xuyên suốt sự kiện, người tham dự và khách mời cũng sẽ được chia sẻ những hiểu biết sâu sắc được truyền tải bởi hội đồng diễn giả quốc tế đa dạng như Ông Michael Lints – Đối tác tại Golden Gate Ventures; Ông Amarit Charoenphan – Chủ tịch điều hành & Đồng sáng lập của Hubba/ Techsauce; Ông Bình Trần – Đối tác chính của 500 Startups và James Dong, CEO của Lazada Việt Nam & Thái Lan.
Song song đó, hội đồng ban giám khảo cuộc thi startup ƠI sẽ có sự góp mặt của Bà Thái Vân Linh – CEO Vingroup Ventures, Kavi Raj Joshi – Người sáng lập & Giám đốc điều hành của The Next Venture Corp, Mike Butcher – Tổng biên tập tại TechCrunch, Tomoko Inoue – CEO tại Omron Venture, v.v … với nhiệm vụ tiếp tục đánh giá top 60 startup vào chung kết cuộc thi và chọn ra startup có triển vọng nhất sẽ giành được giải thưởng ƠI, bao gồm $10.000 tiền mặt, AWS cloud credit (credit trên dịch vụ đám mây của Amazon), khu vực làm việc miễn phí cùng khóa tăng tốc khởi nghiệp 1 tuần ở Việt Nam và cơ hội tham dự các sự kiện quốc tế từ đối tác của Hội nghị ở Canada, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Ấn Độ.
Bình An – Theo Trí Thức Trẻ