Nhiều đời tổng thống Mỹ, từ Clinton, Bush tới Obama, nước Mỹ với niềm hy vọng ngây thơ rằng Trung Quốc sẽ thay đổi một khi giàu có hơn nhưng tất cả đã nhầm…
Nước Mỹ lo tập trung vào các mối bận tâm tốn kém khác, đã khiến Trung Quốc thành công trong việc áp đặt những lợi thế không công bằng trên thị trường thương mại toàn cầu. Đó là một quá trình dài trước khi chúng ta đạt tới cuộc chiến tranh thương mại hiện tại, và vì thế nó cũng sẽ không thể qua đi sau một đêm. Nhưng với chính sách thương mại dài hạn của Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đang ở một vị thế rất tốt để có thể vãn hồi lại các chính sách sai lầm trong quá khứ, vốn khiến chúng ta thất thoát hàng triệu việc làm và nhà máy phải đóng cửa.
Một ngày tồi tệ hay thậm chí một tuần lao dốc tại Phố Wall không phải là một chỉ dấu rằng chính sách của ông Trump đang thất bại. Tính dễ biến động của thị trường không phải là một điều đáng bất ngờ, cũng không phải là lý do để chúng ta phải hoảng sợ phất cờ trắng đầu hàng. Thị trường chứng khoán sẽ phản ứng và giao động khi Mỹ và Trung Quốc có các động thái qua lại trong đàm phán thương mại.
Như Bộ Tài chính Mỹ báo cáo hồi tháng 5, đã và đang có “sự mất cân bằng thương mại song phương lớn một cách bất thường và đang mở rộng giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Không phải là Trung Quốc chưa từng có cơ hội để thay đổi cách làm ăn “lừa gạt” của họ. Đơn giản là họ chọn tiếp tục con đường cũ, cố tình phớt lờ cam kết G20 về thương mại công bằng, bán phá giả sản phẩm vào thị trường Mỹ và ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ của chúng ta, trong số nhiều thứ khác nữa.
Gần đây Trung Quốc đã bị Bộ Tài chính Mỹ gắn nhãn thao túng tiền tệ. Chính quyền Trung Quốc chứ không phải là thị trường tự do là lực lượng áp đặt giá trị tiền tệ của họ đối với đồng đô la Mỹ. Khi Trung Quốc cho phép đồng tiền trượt giá nhằm thúc đẩy xuất khẩu, các công ty Mỹ và công nhân Mỹ phải trả giá.
Chỉ bằng cách gia tăng áp lực đối với Trung Quốc thì Bắc Kinh mới tìm thấy động lực để thay đổi thói quen thương mại gây phá hoại của mình. Mỹ sẽ áp thuế thêm 10% lên khoảng 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc – một nửa sẽ có tác dụng vào ngày 1/9, còn lại sẽ được thực thi vào ngày 15/12. Việc này đã đánh đúng vào điểm yếu của Trung Quốc. Việc hoãn thuế đối với một số mặt hàng Trung Quốc là động thái chiến lược chứ không phải vì sợ mà rút lui. Tổng thống Trump tuyên bố ông làm vậy để tránh tác động lên người tiêu dùng Mỹ trong mùa Giáng Sinh.
Mỹ phải làm gì đó để chấm dứt hành vi thương mại bất công của Trung Quốc, thay vì vội vàng phất cờ trắng trước những dự đoán có phần thái quá về suy thoái lẫn thảm họa kinh tế, chúng ta cần phải giữ vững lập trường và tiếp tục tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Với tư cách là một quốc gia, chúng ta không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc bòn rút từ nền kinh tế của ta như trước nữa.
Tất nhiên, chiến tranh thương mại không phải là không có hậu quả hay rủi ro, và nông dân Mỹ đang phải chịu đựng gánh nặng từ các đòn thù của Trung Quốc. Rõ ràng là khi nhắm tới nhóm cử tri ủng hộ ông Trump trung thành nhất, Trung Quốc và các nước khác đã áp đặt thuế suất cao lên hàng hóa nông sản của Mỹ, bất chấp rằng hàng hóa của ta tốt hơn và rẻ hơn những nơi khác. Ông Trump đã can thiệp và hỗ trợ 14,5 tỷ USD trực tiếp của nông dân để bù đắp sự mất mát về thu nhập. Số tiền này được trích từ khoảng gần 60 tỷ USD tiền thuế nhập khẩu mà Mỹ thu được, trong đó một phần lớn là nhờ tăng thuế với Trung Quốc.
Tin tốt là USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) ước tính lợi nhuận nông nghiệp sẽ tăng 10% trong năm 2019, đạt 68,4 tỷ USD, một mức tăng đáng kể từ mức sụt giảm 16% trong năm 2018.
Ngoài ra, người Mỹ cần biết tầm quan trọng của việc quan sát cuộc chiến thương mại hiện nay trong bối cảnh chính sách thương mại rộng hơn của tổng thống Trump.
Chẳng hạn, nếu xét riêng về nông nghiệp, tổng thống Trump cũng đã đàm phán với Mexico và Canada về một thỏa thuận mới mà nếu Quốc hội thông qua sẽ cho phép nông dân của Mỹ tiếp cận được một thị trường xuất khẩu công bằng hơn.
Có lẽ đây là một trong những lý do vì sao sự ủng hộ của nông dân đối với ông Trump vẫn mạnh mẽ đến vậy, bất chấp ảnh hưởng của thương chiến đến túi tiền của họ. Theo một cuộc khảo sát gần đây bởi Trung tâm Purdue về Nông nghiệp thương mại, 78% nông dân nói rằng họ tin tưởng thương chiến cuối cùng sẽ có lợi cho nông nghiệp Mỹ.
Về phần mình, Trung Quốc cũng tỏ ra sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài. Chủ tịch của họ, Tập Cận Bình, đã tuyên bố thẳng thắn rằng người Trung Quốc cần phải chuẩn bị cho một “cuộc trường chinh” đầy gian khổ mới. Tuy nhiên, nền kinh tế của họ đang phải chịu vô số áp lực. Tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong gần 30 qua, sản suất công nghiệp có nguy cơ giảm phát còn giá tiêu dùng lại tăng cao. Các công ty công nghệ – ít nhất là 50 công ty tính đến thời điểm hiện tại đang trong quá trình chuyển rời phần lớn hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh các khoản thuế khi họ bán sản phẩm ở Mỹ. Và những yêu cầu của Mỹ không hề vô lý, chúng ta chỉ đơn giản là đòi hỏi những chuẩn tắc công bằng và đối ứng cơ bản mà bất cứ một đối tác thương mại có lý trí và lương tri nào đều cảm thấy hợp lý.
Nước Mỹ đang đứng trước một lựa chọn rõ ràng: Chúng ta đứng vững trong cuộc chiến lâu dài này để đảm bảo doanh nghiệp Mỹ cuối cùng sẽ được cạnh tranh trên một sân chơi công bằng hay ta hoảng sợ đầu hàng và để Trung Quốc tiếp tục bòn rút mồ hôi và trí tuệ của người Mỹ.
Một cái là chính sách thương mại đúng đắn, cái còn lại thì không tốt cho kinh tế, sự thịnh vượng và an ninh nước Mỹ.
Tác giả: James D. Schultz, người bình luận pháp lý của CNN, và là chủ tịch hoạt động Chính phủ và Quy định tại hãng luật Cozen O’Connor. Ông từng làm trợ lý đặc biệt của tổng thống Trump tại Tòa Bạch Ốc. Bài viết đăng trên mục “góc nhìn” của CNN.
Trọng Đức biên dịch