Người am hiểu lý học, toán quái chắc hẳn đều ít nhiều tìm hiểu về Hà Đồ và Lạc Thư. Hai đồ hình này đều xuất hiện từ thời văn minh cổ đại rất xa xưa, sớm hơn cả Phật giáo và Đạo giáo.
Sau này, trong các nền văn hóa phương Đông có hai đồ hình khá phổ biến là đồ hình chữ Vạn (卍) của Phật gia và đồ hình Thái cực của Đạo gia.
Hà Đồ và Lạc Thư
Hà Đồ, Lạc Thư và Bát Quái là ba họa đồ được truyền lại từ thời xa xưa, có nguồn gốc từ các bộ tộc phía Nam sông Dương Tử cổ đại (là nơi phát tích của người Việt cổ). Mỗi họa đồ được truyền tụng, phát triển, và sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.
Theo truyền thuyết cổ xưa, trên sông Hoàng Hà đã từng xuất hiện một con long mã trên mình có vẽ Hà Đồ. Còn trên sông Lạc Thủy xuất hiện con thần quy, trên lưng có vẽ Lạc Thư.
Phục Hy căn cứ vào Hà Đồ để suy diễn ra Tiên thiên Bát quái, còn Chu Văn Vương lại căn cứ vào Lạc Thư để suy diễn ra Hậu thiên Bát quái. Theo đó, những đồ hình này hàm chứa nhận thức của cổ nhân về vũ trụ.
Ngày nay, những người đam mê Kinh Dịch, thuật số, lý học vẫn luôn xoay quanh những đồ hình ấy để nghiên cứu. Có người cho rằng đó chỉ là toán học thời cổ đại, có người lại cho rằng chúng ẩn chứa khả năng biết rõ quá khứ và tiên đoán tương lai. Tuy nhiên ít ai biết rằng Thái cực của Đạo gia và chữ Vạn của Phật gia đều ẩn giấu trong Hà Đồ và Lạc Thư.
Lạc Thư
Trong truyền thuyết khi vua Đại Vũ trị thủy, trên sông Lạc xuất hiện con rùa lớn, trên lưng rùa xuất hiện hoa văn tạo thành bức đồ hình, gọi là “Lạc Thư”. Đồ hình đó như sau:
Chúng ta để ý số lượng các dấu chấm trong Lạc Thư này và thay thế chúng bằng các chữ số để biểu thị. Như vậy ta được một ma trận 3×3 như sau:
Ta thấy rằng Lạc Thư này rất minh hiển và cân đối, bất luận là hàng ngang, dọc, hay đường chéo đều có tổng các số là 15.
Hà Đồ
Tương truyền vào thời Phục Hy khoảng 5.000 năm trước, trên sông Hoàng Hà xuất hiện một con Long Mã (đầu rồng mình ngựa), trên lưng có những dấu chấm trắng và đen tạo thành bức đồ hình gọi là “Hà Đồ”, đồng thời Phục Hy dựa vào đó mà tạo ra bát quái.
Trong cả Hà Đồ và Lạc Thư thì các số có chấm màu trắng (có tổng số chấm là 1,3,5,7,9) là dương, các số có chấm màu đen (có tổng số chấm là 2,4,6,8,10) là âm.
Thái cực
Bên trong Hà Đồ có bao hàm Thái cực, nhưng lại không phải kiểu Thái cực mà chúng ta quen thuộc, mà là kiểu Thái cực nguyên sơ hơn, có được bằng cách nối liền các chấm đen và nối liền các chấm trắng ở ngoài:
Loại Thái cực đồ này từng được cổ nhân sử dụng, ví dụ như bản vẽ do Lai Trí Đức ghi lại vào năm 1599:
Chữ Vạn
Ở Hà Đồ (hình 3 bên dưới) ta thấy các cặp âm – dương đi liền với nhau, phía dưới cùng có số lượng dấu chấm là 1 và 6 chấm (1-6), tương tự phía trên cùng có số lượng dấu chấm là 2 và 7 chấm (2-7), bên trái có số lượng dấu chấm là 3 và 8 chấm (3-8), bên phải có số lượng dấu chấm là 4 và 9 chấm (4-9).
Từ hình 2 của Lạc Thư, lấy 5 làm trung tâm rồi nối các cặp số mà Hà Đồ chỉ ra (1-6), (2-7), (3-8), (4-9), sau đó nối với trung tâm ở giữa sẽ được đồ hình như sau:
Đến đây hẳn ai cũng đã thấy xuất hiện phù hiệu chữ Vạn (卍).
Nhận thức về vũ trụ
Tuy nhiên đến đây vẫn chưa phải là hết. Văn hóa phương Đông từ xưa đến nay có Đạo gia và Phật gia là chủ yếu. Đạo gia có Thái Cực, Phật gia có phù hiệu chữ Vạn (卍), chúng đều là nhận thức về vũ trụ của hai gia phái này. Vậy thì điều này cũng có liên quan tới Hà Đồ và Lạc Thư.
Số lẻ cấu thành Lạc Thư (tổng số con số ở hình 1 là 9) ở đó ẩn tàng phù hiệu chữ Vạn (卍); Còn số chẵn cấu thành Hà Đồ (tổng số con số ở hình 3 là 10) ở đó ẩn tàng Thái Cực. Như vậy chữ Vạn (卍) diễn xuất số lẻ, Thái Cực diễn xuất số chẵn.
Từ hình 5 lấy phù hiệu chữ Vạn (卍) thay thế số lẻ, lấy Thái Cực thay thế số chẵn thì ra đồ hình như sau:
Đồ hình này ẩn chứa sự kết hợp của hai tín ngưỡng lớn tại phương Đông, đúng là một đồ hình vô cùng đặc biệt. Có thể có người cho rằng Hà Đồ, Lạc Thư hay Kinh Dịch vốn là của Đạo gia nên dĩ nhiên là có Thái Cực. Nhưng vì sao chúng còn ẩn chứa phù hiệu chữ Vạn (卍) của Phật gia?
Theo thiển ý của người viết, các đồ hình ấy chứa đựng hiểu biết của cổ nhân về vũ trụ, mà vũ trụ to lớn này thì Phật và Đạo đều nằm trong, nên trong Hà Đồ hay Lạc Thư thì đều bao hàm cả Phật và Đạo. Trên đây chỉ là một chút mạn đàm, mong được chia sẻ tới người đam mê Kinh Dịch gần xa.
Nguyễn Vĩnh