Bộ TT&TT cho biết trước mắt, việc định danh tài khoản người dùng sẽ áp dụng tại Hà Nội và TP.HCM.
Tại báo cáo về việc thực hiện các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ TT&TT cho biết các nội dung vi phạm trên mạng hiện nay chủ yếu là các web có tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài, cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.
Nhiều trường hợp, Facebook và Google không chịu gỡ các bài viết, nội dung vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của doanh nghiệp.
Do đó, Bộ đề nghị Facebook phải triển khai định danh tài khoản và chỉ các tài khoản định danh mới được phép livestream.
Bộ này cũng yêu cầu mạng xã hội Facebook cần có chính sách tiền kiểm và gỡ các quảng cáo phát tán tin giả liên quan đến các vấn đề chính trị khi có yêu cầu từ chính phủ.
Ngoài ra, Facebook cần triển khai cấp nhanh xác thực (blue tick) cho các fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng; chỉ cho phép lập fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước khi có sự đồng ý của Bộ TT&TT hoặc sự xác nhận của chính cơ quan, tổ chức đó.
Bộ còn nhận thấy lợi nhuận từ thị trường Việt Nam đem lại cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tiếp tục tăng, trong đó không ít nguồn tiền từ Việt Nam chi trả cho các dịch vụ bất hợp pháp như đặt quảng cáo của các thương hiệu Việt Nam gắn trên các video xấu độc hoặc video quảng cáo tự động có nội dung vi phạm, phản cảm gắn trên các website, báo điện tử.
Để xử lý vấn đề phát tán thông tin sai sự thật (fake news), hạn chế tình trạng giả mạo fanpage, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án chặn dòng tiền giao dịch vi phạm pháp luật giữa người dùng Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google.
Theo số liệu ghi nhận của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, tính đến thời điểm hiện tại, Google đã chặn hơn 7.000 video clip, gỡ 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng. Facebook đã gỡ 208/211 tài khoản giả mạo, 2.444 links rao bán và hơn 200 links bài viết bị nói có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam. Hiện vẫn còn tồn tại tới 55.000 video độc hại trên kênh Youtube.
Hoàng Minh