“Doanh nghiệp mạo hiểm nhắm vào các khoảng hổng trên thị trường toàn cầu ngay từ ngày đầu thành lập” – đây là nhóm doanh nghiệp quyền lực với tiềm năng vô cùng lớn trong kinh doanh quốc tế.
Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Quang Trung, Giảng viên cấp cao và Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT khi nói về công ty khởi nghiệp toàn cầu trong nền kinh tế số tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế thường niên do Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam tổ chức. Bên cạnh đó, các học giả, lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đã cùng thảo luận về những phương thức giúp kinh tế Việt Nam đóng góp và hưởng lợi từ nền kinh tế số toàn cầu.
TS.Nguyễn Quang Trung sử dụng xếp hạng của các tổ chức quốc tế trong nhiều năm qua để chỉ ra rằng, dù các phương diện như năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, chỉ số tham nhũng và xếp hạng Chính phủ điện tử của đất nước chưa được cải thiện nhiều, nhưng nếu Việt Nam cải thiện quản trị công và duy trì mức xếp hạng đối với Chính phủ điện tử ở mức dưới 30 thì các yếu tố khác có thể cải thiện theo.
Ông cũng bổ sung thêm rằng, thứ bậc cao trong bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2019 (trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu) và Chỉ số Kỹ thuật số cũng cho thấy tín hiệu lạc quan trong quá trình hội nhập vào kinh tế toàn cầu của đất nước.
- Nguyễn Quang Trung còn đưa ra một bộ câu hỏi dành cho những ai muốn khởi tạo một doanh nghiệp khởi nghiệp toàn cầu. Bộ câu hỏi, được trích từ nghiên cứu của ông và đồng nghiệp “Khởi nghiệp toàn cầu: Bạn đã có đủ điều kiện cần chưa?”, bao gồm đam mê mạo hiểm, thấy được triển vọng quốc tế và có định hướng kinh doanh quốc tế, có chiến lược khác biệt, có sức khỏe tốt, thấy thoải mái với sự mạo hiểm, sẵn lòng đón đầu thất bại, khả năng tận dụng tiến bộ công nghệ thông tin và truyền thông, có mô hình thích hợp cho quản trị doanh nghiệp, và có quyền quyết định.
Theo PGS.TS. Robert McClelland, Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ về Global Born – thuật ngữ dùng để chỉ những doanh nghiệp khởi nghiệp toàn cầu – khuynh hướng đang nổi ở Việt Nam, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt ngày càng tích cực tham gia vào nền kinh tế số.
“Kinh tế số toàn cầu được dự đoán trị giá 11,5 ngàn tỉ đô la Mỹ và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, Việt Nam đã đạt đượcnhững thành công nhất định như dịch vụ xe chia sẻ hoàn toàn mới, các kênh thương mại điện tử và lưu trú đang thách thức những hệ thống bán lẻ hiện có, cũng như các công ty tài chính công nghệ và giải pháp thanh toán. Nhiều công ty trong số đó đã ngay lập tức kết nối với khách hàng và các nhà cung cấp trên khắp thế giới” – PGS.TS. Robert McClelland cho biết.
Nhận diện những thách thức cho các doanh nghiệp toàn cầu khi tiếp cận thị trường nước ngoài, ông Shannon Leahy – Ủy viên hội đồng, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia tại Việt Nam cho rằng, thách thức lớn nhất cho một doanh nghiệp khi gia nhập thị trường Việt Nam đó là việc tìm được đối tác chiến lược phù hợp và có một đội ngũ lãnh đạo am hiểu văn hóa và cách làm việc của nước sở tại. Hiện nay tại Việt Nam có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% từ nước ngoài nên việc này càng trở nên quan trọng.
TS. Nguyễn Quân – Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, dù vẫn còn nhiều thách thức trong gầy dựng một doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước đã có những cải thiện đáng kể nhờ những hành động kịp thời từ Chính phủ cũng như các bước tiếp cận chủ động từ phía doanh nghiệp.
Cụ thể, ba quyết sách lớn của Việt Nam trong quá trình hội nhập hướng tới quốc gia khởi nghiệp bao gồm: Thứ nhất, hội nhập kinh tế Quốc tế đặc biệt là chuyển đổi số nền kinh tế khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng thế giới. Trong đó, đề án Chính phủ điện tử năm 2007 đã thất bại và được tái khởi động vào năm 2018 với hy vọng trong vài năm tới thứ hạng về Chính phủ điện tử sẽ được cải thiện.
Thứ hai, Việt Nam đã quan tâm đến lĩnh vực ICT. Hiện nay, Việt Nam đang có hạ tầng viễn thông hàng đầu trong khu vực, rất nhiều dữ liệu quy mô quốc gia đã được số hoá, với tốc độ này Việt Nam sẽ có hạ tầng ICT tốt hơn, phục vụ tốt hơn trong giai đoạn tới.
Thứ ba, môi trường pháp lý cho ICT bao gồm Luật công nghệ thông tin, Luật an toàn thông tin mạng, Luật an ninh mạng đã được thông qua, sẽ có những tác động nhất định về khung khổ pháp lý cho các hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Cựu Bộ trưởng chia sẻ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đang trong quá trình hình thành và dự kiến sẽ là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra từng ngày. Trung tâm sẽ ưu tiên tập trung vào các nhà máy thông minh, nội dung kỹ thuật số, an ninh mạng, thành phố thông minh và công nghệ môi trường.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Quân còn đưa ra ví dụ về việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ngay trong đơn vị của mình, trong đó có Tập đoàn Vingroup và Bóng đèn phích nước Rạng Đông. “Dù là một doanh nghiệp nhỏ, Rạng Đông vẫn xây dựng được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển riêng, từ đó cải thiện chất lượng đèn chiếu sáng của đơn vị mình và giúp mở rộng thị phần cho công ty” – TS. Nguyễn Quân cho biết.
Theo TS. Nguyễn Quân, chính sách sắp sửa ban hành liên quan đến quỹ đầu tư mạo hiểm cũng sẽ khuyến khích nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam hơn. “Hy vọng sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, việc chuyển đổi số thành công có thể đưa công nghệ số, công nghệ thông minh vào đầu tư sản xuất và có bước tiến mạnh về năng suất lao động” – TS. Nguyễn Quân chia sẻ.
Diễm Ngọc – Anh Tuấn