Các chuyên gia quốc tế chia sẻ bí quyết giúp nông dân Việt Nam tăng năng suất mía đường lên gấp đôi, ngang ngửa con số của “người hàng xóm” Thái Lan – 190 tấn/ha
Để có thể phá bỏ rào cản của bản thân, đạt tới năng suất mía đường như nước láng giềng Thái Lan, nông dân Việt Nam cần lựa chọn thời điểm trồng mía thích hợp, học hỏi ‘bí quyết’ trồng hàng đôi, nắm bắt được nhu cầu nước qua từng giai đoạn sinh trưởng….
Với mong muốn đồng hành cùng người nông dân, hướng dẫn những giải pháp canh tác tiên tiến giúp người trồng mía tăng năng suất – chất lượng mía từ đó tăng thu nhập cho người nông dân, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (TTC Sugar – SBT) trực thuộc Tập đoàn Thành Thành Công, đã phối hợp cùng các chuyên gia nông nghiệp quốc tế uy tín tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm canh tác mía đạt năng suất – chất lượng cao, cho các nông dân 4 tỉnh Tây Ninh – Gia Lai – Khánh Hòa – Ninh Thuận.
Mía là loại cây dễ trồng, có thể thích nghi trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, đất có tầng canh tác sâu, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, PH trung tính, thoát nước tốt, độ dốc <100 sẽ là tiền đề cho cây mía sinh trưởng vượt trội. Ngoài ra, quy trình kỹ thuật làm đất, chăm bón, tưới tiêu cũng như lựa chọn giống mía, thời điểm xuống giống… cũng tác động lớn đến năng suất – chất lượng mía.
Hiện nay, năng suất bình quân mía ở nhiều tỉnh thành nước ta chưa cao, chỉ vào khoảng 60 – 70 tấn/ha, trừ một số ít diện tích cho năng suất vượt trội như 100 tấn/ha ở Tây Ninh, 96 tấn/ha ở Gia Lai, 90 tấn/ha ở Sơn Dương (Tuyên Quang)…
ICL là một công ty liên doanh, thành lập bởi 4 đối tác ở 4 quốc gia Thái Lan, Úc, Malaysia, Philippines nhằm liên kết công nghệ từ mỗi đối tác để phát huy tối đa tiềm năng. ICL được Văn phòng xúc tiến doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan (OSMEP) trao giải xếp hạng “AAA” trong hai năm liên tiếp cũng như được kiểm tra, chứng nhận của nhiều tổ chức quốc tế uy tín.
Với mong muốn giúp bà con nông dân cải thiện năng suất mía đường, TTC Sugar đã mời các chuyên gia từ ICL đến chia sẻ kinh nghiệm thực tế được áp dụng tại Thái Lan – cường quốc mía đường trong khu vực và quốc tế, có những cánh đồng cho năng suất tới 190 tấn/ha.
Đầu tiên, người trồng mía cần lưu ý lựa chọn thời điểm trồng mía trước mùa nắng hạn, thời điểm phù hợp nhất là tháng 10 – 11 sẽ cho chữ đường (CCS) cao. Còn nếu xuống giống trong khoảng tháng 12 đến tháng 3 vào đúng mùa nắng, độ ẩm đất thấp trong khi mía cần nước để nảy mầm, còn trồng giai đoạn tháng 4,5,6 đầu mùa mưa năng suất, chất lượng mía bị sụt giảm; đều không phải là phương án tốt nhất.
Thứ hai, người nông dân cần chuẩn bị chu đáo khâu làm đất, độ sâu hơn 50cm hoặc sâu nhất có thể, lưu ý kỹ thuật phá vỡ tầng đế cày để nước được lưu lại trong lòng đất, rễ phát triển hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, không đốt lá khi thu hoạch, giữ lá mía che phủ đất, ngăn ngừa bốc hơi ẩm, tăng nguồn hữu cơ cho đất.
Thứ ba, các chuyên gia cũng trình bày bí quyết trồng hàng đôi, quy trình trồng giặm bằng hom, tách bụi, giặm bằng bầu, bằng máy; phương pháp quản lý nước tưới bằng phương pháp nhỏ giọt, phân tích ưu nhược điểm và so sánh số liệu cụ thể từ hiệu quả việc tưới theo rãnh, tưới phun, tưới nhỏ giọt ngầm, tưới nhỏ giọt nổi. Từ năm 2007, Thái Lan đã áp dụng trồng mía trước mùa khô kết hợp tưới nhỏ giọt giúp cho năng suất đạt 125 – 187 tấn/ha (theo nguồn Hiệu quả kinh tế nghề trồng mía tại Kanchanaburee và Nakornpratom).
Thứ tư, nông dân Việt Nam cần nắm bắt được nhu cầu nước của cây mía theo các giai đoạn sinh trưởng, bởi mỗi giai đoạn nảy mầm, đẻ nhánh, vươn lóng, trưởng thành và chín cần mức nước khác nhau, trung bình cây mía 11 tháng tuổi cần khoảng 1.500 mm nước/ngày.
Cuối cùng, TTC Sugar và các chuyên gia còn cung cấp thêm nhiều thông tin mới hữu ích về việc ứng dụng vi sinh vật cố định đạm như các vi khuẩn cộng sinh có thể phát huy hiệu quả ở cây mía 3 – 4 tháng tuổi…
Theo báo cáo từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đến ngày 30/6/2019, các nhà máy đã ép khoảng 12 triệu tấn mía, sản xuất được gần 1,2 triệu tấn đường, giảm 20% so với niên vụ trước và khoảng 22% so với kế hoạch đầu vụ.
“Việc áp dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất giúp nâng cao năng suất – chất lượng cây mía có thể là một trong những giải pháp cần thiết – hiệu quả cho ngành mía đường Việt Nam vào thời điểm này.
Tuy nhiên, để có thể triển khai đồng bộ rất cần hỗ trợ chia sẻ từ phía Chính phủ cũng như sự chung sức đồng lòng của doanh nghiệp và nông dân trong thời điểm có nhiều thách thức, khó khăn như hiện tại“, đại diện TTC Sugar kết luận.
TTC Sugar hiện đang là doanh nghiệp dẫn đầu ngành mía đường Việt Nam, với mục tiêu sẽ nâng thị phần lên 50% vào thời gian tới. Hiện họ có 9 nhà máy, gần 60.000 hecta vùng nguyên liệu, năng lực sản xuất hơn 542.000 tấn đường thành phẩm/năm.
Để nâng cao sức cạnh tranh và tối ưu hóa doanh thu, TTC Sugar đang cố gắng đa dạng hóa sản phẩm đường, các sản phẩm tốt cho sức khỏe như đường organic, đường vàng thiên nhiên…; khai thác sản phẩm cạnh đường và sau đường, như: mật rỉ (nguyên liệu sản xuất cồn sinh học, xăng ethanol E5), điện thương phẩm, phân vi sinh hữu cơ, nước đóng chai nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thân thiện với môi trường.
TTC Sugar đang dẫn đầu trong công suất sản xuất điện sinh khối, phát lên lưới 100 MW. Mục tiêu đến năm 2020, TTC Sugar sẽ phát lên lưới là 150 MW.
Quỳnh Như – Theo Trí Thức Trẻ