Ông trời hào phóng với Thoại Mỹ về sự nghiệp, danh tiếng bao nhiêu thì lại hà khắc với chị về đường tình duyên bấy nhiêu.
Thoại Mỹ có lẽ là người chịu nhiều khổ đau nhất trong giới showbiz. Tuổi thơ đói nghèo cùng cực. Khi thành danh, chị lại gặp bao nhiêu thất bại trong tình yêu tưởng chừng không thể gượng dậy nổi…
Mẹ phải đi ở đợ kiếm tiền trả nợ, nuôi con
Thoại Mỹ được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, cha là công nhân viên, mẹ làm buôn bán. Nhà có tới 12 anh chị em, Thoại Mỹ là con áp út nên không tránh được sự khó khăn trong cuộc sống.
Tuổi thơ của Thoại Mỹ là những tháng ngày gắn liền với cái đói khổ cùng cực. Từ lúc bé xíu, cô bé Thoại Mỹ đã lẽo đẽo đi theo mẹ buôn gánh bán bưng. Nhà nghèo tới nỗi, mỗi lần muốn ăn thịt gà, mẹ phải mua góp.
Cũng bởi nghèo đói lại nợ nần nên tình cảm cha mẹ không thuận hòa. Mẹ Thoại Mỹ bỏ nhà đi ở đợ, kiếm tiền gửi về lo cho con. Lúc đó Thoại Mỹ còn nhỏ lắm, chỉ biết mẹ đi mà không biết mẹ đi đâu.
Tới một ngày, một người hàng xóm qua nói với mấy chị em Thoại Mỹ: “tao thấy má mày ở đợ cho nhà bà A nhưng tao không dám dẫn mày tới. Nếu mày muốn gặp má thì sáng mai tao dẫn đi chợ, canh má mày đi chợ thì mày tới gặp”.NSƯT Thoại Mỹ có một số phận bi kịch, đầy nước mắt nhưng qua đó, người ta thấy một Thoại Mỹ đầy bản lĩnh và tài sắc.
Thế là sáng hôm sau, người đó dẫn Thoại Mỹ và cậu em út đi chợ. Cuộc gặp ngày hôm đó, mãi mãi Thoại Mỹ không bao giờ quên. Năn nỉ thế nào, mẹ cũng không về. Bà bảo ở đợ kiếm tiền trả nợ và lo cho các con được đi học.
Từ hôm đó, cứ mỗi buổi chiều, hai chị em Thoại Mỹ lại đi bộ tới nhà người đó, đứng lấp ló sau cửa để được gặp mẹ. Phần ăn của mẹ, mẹ cũng lén chủ đem ra cho chị em Thoại Mỹ ăn. Những lúc gia đình người ta đi hết, mẹ lén mở cửa cho hai chị em Thoại Mỹ vào phụ lau chùi, dọn dẹp.
Một lần, Thoại Mỹ vô tình vào nhà tắm, thấy mẹ đang giặt quần áo cho chủ. Hồi đó, phụ nữ tới ngày kinh nguyệt đều dùng vải xô. Nhìn thấy mẹ phải giặt những đồ như thế, Thoại Mỹ xót mẹ, xin được làm thay nhưng mẹ không chịu. Bà thương Thoại Mỹ còn quá nhỏ, không muốn con phải đụng tới những đồ như thế.
Ăn cơm thừa, canh cặn của hàng xóm cũng thấy ngon…
Mỗi bữa cơm, hàng xóm ăn dư miếng cá, chén canh lại gọi chị em Thoại Mỹ sang bưng về ăn. Dù trên miếng xương cá chỉ còn dính lại một chút thịt nhưng chị em Thoại Mỹ vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon.
Bởi ngày thường, không có miếng cơm thừa canh cặn ấy, chị em Thoại Mỹ toàn ăn cơm trắng với nước tương. Hôm nào cha có tiền thì mua được ít cải chua, xin người ta múc cho nhiều nước cải về làm canh ăn với cơm.
Mẹ Thoại Mỹ vốn có bệnh tim lại làm việc vất vả cộng thêm buồn phiền nhiều chuyện nên một ngày bệnh tim tái phát và ngã xuống. Nằm viện 3 ngày thì bà mất.
Lúc đó, Thoại Mỹ đang học trường Trần Hữu Trang. Trước khi mất, bà nắm tay Thoại Mỹ bảo “Má ráng làm tới ngày con thi, mua cho con cái áo mới để con mặc với người ta mà giờ má không làm được. Má nợ con 1 cái áo. Kỳ này con thi nhưng má cũng không đi coi được rồi“.
Lúc đó, Thoại Mỹ nước mắt giàn giụa nói “má hết bệnh đi, con không cần áo đâu”. Không ngờ, đêm đó lại là đêm cuối cùng Thoại Mỹ được nắm tay mẹ. Năm đó, Thoại Mỹ 13 tuổi. Cô bé ngây thơ tới độ không nghĩ mẹ chết là không bao giờ được về với mình nữa, là không bao giờ còn được nhìn thấy mẹ nữa.
Mẹ mất, bao nhiêu nỗi vất vả nhọc nhằn đè nặng lên vai cha. Cha Thoại Mỹ cũng là người chịu cam khổ để nuôi con. Thời điểm mẹ Thoại Mỹ phải đi ở đợ, cha ở nhà cũng không sung sướng gì.
Mẹ mất, không còn chỗ dựa, Thoại Mỹ phải tự thân lo cho mình từ đó. Cả nhà chỉ có 1 chiếc xe đạp. Ngày nào cha khỏe thì cha cho Thoại Mỹ đi, còn bình thường, Thoại Mỹ đi bộ đi học. Mỗi ngày đi cả chục cây số.
Những ngày không đi học, Thoại Mỹ lại chà khoai mì, nướng bắp nướng khoai bán lề đường. Ở xóm, ai sai gì làm nấy, không phải để nhận đồng tiền mà nhận miếng bánh, miếng cơm cho khỏi xót lòng.
Ngay cả khi đã là cô đào trên sân khấu cải lương hàng đêm, những ngày không đi diễn, Thoại Mỹ lại đi phụ bưng bê hủ tíu nhưng cũng không được trả tiền mà chỉ để người ta cho hủ tíu về ăn. Tô hủ tíu dù không có thịt nhưng cả nhà ai cũng khen ngon.
Ngày Thoại Mỹ nhận Huy chương vàng giải Trần Hữu Trang, nhìn xuống hàng ghế khán giả, chị thấy cha cười mà nước mắt trào ra. Lúc lên ôm con trên sân khấu, cha Thoại Mỹ bảo “Ba để các con khổ như vậy mà các con vẫn vươn lên và được như thế này. Đó là niềm hãnh diện cho ba”.
Cha Thoại Mỹ mắc bệnh ung thư và qua đời năm 2004. Thoại Mỹ khóc nghẹn vì hối tiếc, vì nỗi ray rứt cả một đời cha mẹ cực khổ, gánh hết nhọc nhằn lo cho con. Tới ngày Thoại Mỹ thành đạt, có danh vọng, tiền của, muốn trả hiếu cho cha thì đã muộn.
Uống thuốc tự tử vì tình duyên lận đận
Ông trời hào phóng với Thoại Mỹ về sự nghiệp, danh tiếng bao nhiêu thì lại hà khắc với chị về đường tình duyên bấy nhiêu.
Thoại Mỹ cứ yêu, hết lần này đến lần khác và lần nào chị cũng yêu như thể đốt hết mình nhưng, đường tình duyên của chị cứ lận đận, truân chuyên. Trải qua bao nhiêu mối tình, Thoại Mỹ vẫn không thể có được đứa con do mình sinh ra.
Mỗi khi có người hỏi Thoại Mỹ về chuyện gia đình, Thoại Mỹ chỉ mỉm cười bảo: “Phụ nữ, không ai không muốn mình hạnh phúc nhưng đã là duyên nghiệp thì không tránh được. Nghiệp ai nấy trả. Nghiệp ai nấy nhận.
Nếu nói thì có rất nhiều chuyện để nói, bởi có những điều đã đưa đẩy mình tới đường cùng là uống thuốc tự vẫn, muốn xuống tóc đi tu. Giờ hỏi vì sao phải làm thế thì thật khó. Mỹ chỉ muốn nuốt ngược hết thảy vào lòng. Bởi bây giờ đã đường ai nấy đi, ai cũng có cuộc sống riêng của mình, nói ra lại chạm vào nỗi đau nữa”.
Cái nghiệp của Thoại Mỹ nó thế.
Khi cùng đường, không còn lý trí, Thoại Mỹ nghĩ đời mình sao khổ quá. 13 tuổi mất mẹ, Thoại Mỹ đã tự thân lo hết. Sóng dồn nhiều quá, chịu không nổi, Thoại Mỹ tự vẫn. May có người làm phát hiện đưa vào viện và được cứu sống. Ấy thế mà Thoại Mỹ vẫn chưa thức tỉnh. Những ngày tháng sau đó, Thoại Mỹ vẫn chìm vào nỗi buồn u uất.
Lúc đau khổ tận cùng, Thoại Mỹ vào nhà tắm, vặn vòi sen cho nước thật nóng rồi đút đầu mình vô, la hét và khóc tới khi tắt tiếng, không nói được nữa. Lúc ấy, Thoại Mỹ giống như một người điên.
Nhưng qua cơn đó, Thoại Mỹ không còn khóc được nữa. Thoại Mỹ cứ thơ thẩn, u uất. Đi quay phim, đóng vai khổ mà Thoại Mỹ cũng không khóc được. Trái tim Thoại Mỹ như nguội lạnh.
Cho đến một ngày, có người bạn rủ Thoại Mỹ lên chùa. Thoại Mỹ đi chùa mà như không còn hồn vía. Ấy vậy mà, vừa vào tới chánh điện, Thoại Mỹ gục đầu xuống khóc như mưa, khóc như chưa bao giờ được khóc. Đó cũng là lúc Thoại Mỹ tìm lại được chính mình.
Xin ni sư cho xuống tóc đi tu vì cảm thấy không lấy được thăng bằng trong cuộc sống không được, Thoại Mỹ xin quy y cửa Phật và cắt đi một phần tóc của mình, như cắt đi phiền muộn trong lòng, nghiệp chướng phải trả.
Bây giờ, ở tuổi 50, Thoại Mỹ vẫn thế. Dù không chồng không con nhưng bù lại chị có những đứa con nuôi rất yêu thương chị, vẫn được đứng trên sân khấu hàng đêm, được hát cho khán giả nghe dù đi qua bao lần bạo bệnh tưởng chết. Với chị, đó là hạnh phúc lớn nhất.
Thoại Mỹ bảo “thôi thì tùy duyên, cái gì đến sẽ đến, cái gì đi sẽ đi, chẳng nên cấu xé bản thân làm gì, cứ thuận duyên mà sống thì tâm sẽ an vui“.
Theo Nguyễn Lê Bình Phú – Trí thức trẻ