Văn phòng đặc phái viên Bộ ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông ngày 9/8 đã phản ứng gay gắt sau khi Bộ ngoại giao Mỹ chỉ trích Trung Quốc hành động “côn đồ” trước đó 1 ngày.
Khủng hoảng ngoại giao Mỹ-Trung tại Hồng Kông bùng nổ
Đề cập việc Bộ ngoại giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc “làm rò rỉ thông tin cá nhân của nhà ngoại giao Mỹ là hành động của chính quyền côn đồ”, người phát ngôn Văn phòng đặc phái viên Bộ ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông chỉ trích phát ngôn của Mỹ là “ngang nhiên phỉ báng và xúc phạm, một lần nữa thể hiện Mỹ ‘logic kẻ cướp’ và tư duy bá quyền của Mỹ khi thay đổi trắng đen”.
“Trung Quốc thể hiện thái độ bất mãn mạnh mẽ và kiên quyết phản đối,” người phát ngôn nói, đồng thời lên án Mỹ “không sửa chữa việc tự ý can thiệp vào công việc của Hồng Kông và nội chính Trung Quốc” mà “còn ngậm máu phun người, vu không vô căn cứ rằng chính phủ Trung Quốc tiết lộ thông tin liên quan”.
“Đây là chuyện lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử, vạch trần sự đen tối và lệch lạc trong tâm lý của phía Mỹ,” đại diện Trung Quốc nói.
Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc tại Hồng Kông đã leo thang từ ngày hôm 8/8, khi Văn phòng đặc phái viên Bộ ngoại giao Trung Quốc thông báo triệu tập khẩn cấp quan chức cấp cao của Tổng lãnh sự quán Mỹ và yêu cầu Mỹ làm rõ thông tin quan chức này gặp gỡ với các thủ lĩnh đối lập Hồng Kông – mà Bắc Kinh gọi là những phần tử ly khai – vào ngày 6/8.
Cùng ngày mùng 8, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus phản pháo rằng việc các nhà ngoại giao Mỹ tiếp xúc với chính giới ở các nước/vùng lãnh thổ là bình thường và diễn ra không chỉ ở Trung Quốc hay Hồng Kông. Bà Ortagus nói chính phủ Mỹ tin rằng Bắc Kinh đứng sau việc rò rỉ thông tin cá nhân – bao gồm hình ảnh, tên tuổi con cái,… – của nhà ngoại giao Mỹ, cho rằng Trung Quốc đang có hành vi “quấy rối”.
Trong khi đó, đại diện Bộ ngoại giao Trung Quốc tố Mỹ phớt lờ luật pháp và các quy tắc quốc tế cơ bản về không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, “làm tổn hại an ninh và chủ quyền nước khác”.
Người phát ngôn của Trung Quốc “nghiêm khắc yêu cầu Mỹ ngưng can thiệp nội chính Trung Quốc, ngưng hành động sai lầm can thiệp và làm tổn hại an ninh-chủ quyền nước khác, nếu không sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của xã hội quốc tế, cuối cùng sẽ tự lấy đá đập vào chân mình”.
Biểu tình Hồng Kông bước sang tuần thứ 10
Trước đó vào ngày 7/8, tờ Takungpao (Hồng Kông) đưa tin thủ lĩnh đối lập Hồng Kông Joshua Wong thừa nhận có tiếp xúc với nhân viên Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông để trao đổi về ý định trừng phạt Đạo luật dân chủ và nhân quyền Hồng Kông, cũng như kêu gọi Mỹ không cung cấp trang bị cho cảnh sát Hồng Kông.
Theo tờ này, Nathan Law – một thủ lĩnh đối lập khác từng cùng Wong và Alex Chow dẫn dắt các cuộc biểu tình “Chiếm lĩnh trung tâm” ở Hồng Kông năm 2014 – cũng có mặt trong cuộc gặp nhà ngoại giao Mỹ.
Takungpao còn đăng tải thông tin cá nhân, với hình ảnh, tên tuổi và chi tiết quá trình làm việc của quan chức nêu trên. Các thông tin này được báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo và tờ phụ bản Thời báo Hoàn Cầu đăng tải đồng loạt, khiến phía Mỹ phản ứng và cáo buộc Bắc Kinh thao túng vụ rò rỉ này.
Bắc Kinh thời gian qua cáo buộc “các thế lực nước ngoài”, thậm chí ngầm ám chỉ Mỹ, đứng sau làn sóng biểu tình bạo lực gây ra tình trạng hỗn loạn tại Hồng Kông, trong khi Washington bác bỏ.
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông – nổ ra từ ngày 9/6 để phản đối dự luật dẫn độ tội phạm về Đại lục – đã bước sang tuần thứ 10. Trong diễn biến mới nhất, hàng trăm người biểu tình ngày hôm nay có kế hoạch “chiếm đóng” ở sân bay quốc tế Hồng Kông trong ba ngày. Giới chức sân bay cho biết các biện pháp an ninh bổ sung sẽ được triển khai để hỗ trợ hành khách và nhân viên sân bay.
Ngày 8/8, Mỹ đã ban hành cảnh báo công dân nước này du lịch tới Hồng Kông cần thận trọng trước tình hình bản địa. Những cảnh báo tương tự cũng được Australia, Vương quốc Anh, Ireland, Nhật Bản và Singapore công bố. Dù vậy, các nước vẫn chưa khuyến cáo công dân không đến Hồng Kông.
theo Trí Thức Trẻ