Theo nghiên cứu của Topica Founder Institue, 100% trong số 28 startup thành công nhất Việt Nam đều làm theo mô hình copycat, tất cả đều học hỏi và bản địa hóa các mô hình tương tự đã thành công ở nước ngoài.
Copycat startup là gì?
Hiện nay, mô hình copycat startup đang được các startup áp dụng đông đảo. Mô hình này được áp dụng phổ biến ở các trung tâm kinh tế lớn như Đức, châu Âu, Mỹ và Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ.
Nếu bạn từng truy cập vào trang web của Yelp.com bạn sẽ nhận thấy giao diện nội dung của Yelp.com giống một startup tại Việt Nam, đó chính là Foody.vn. Hay các thương hiệu nổi tiếng như Apple và Facebook đều đang cố gắng phát triển các ứng dụng nhắn tin từ Wechat của Trung Quốc. Đây chính là những ví dụ điển hình về mô hình copycat của các startup hiện nay.
Copycat được hiểu đơn giản là các startup học tập lại mô hình của những người đi trước và tùy từng mức độ học hỏi để phân theo cấp hộ copycat khác nhau, từ ăn theo ý tưởng đến sao chép hoàn toàn.
Giới startup phân chia các loại hình sao chép thành 3 loại, đó là: sao chép nguyên bản, sao chép có chỉnh sửa và sao chép cách thức. Sao chép nguyên bản là có bố cục, thị trường mục tiêu và ngay cả màu sắc chủ đạo của mô hình startup này cũng giống như mô hình kia. Đơn cử như foody của Việt Nam thì giống với Yelp, Alibaba thì giống Amazon, Zalo thì giống Wechat.
Với mô hình sao chép có chỉnh sửa, một số điểm trong phương thức vận hành sẽ được điều chỉnh. Ví dụ, Grab bắt chước Uber cùng khai thác mảng vận tải nhưng tập trung vào phân khúc taxi và có một vài thay đổi trong phương thức thanh toán, chọn lái xe và hành khách.
Còn với mô hình sao chép cách thức, các startup thường đi vào thị trường ngách. Ví dụ một số mô hình tiêu biểu tại Việt Nam như Ahamove của Giao hàng nhanh là Uber trong vận tải, Lozi chính là Pinterest của ẩm thực.
Ở thị trường Việt Nam, việc học hỏi từ các mô hình startup nước ngoài để sử dụng và bản địa hóa trên thị trường cũng không còn xa lạ. Theo nghiên cứu của Topica Founder Institue, 100% trong số 28 startup thành công nhất Việt Nam đều làm theo mô hình copycat, tất cả đều học hỏi và bản địa hóa các mô hình tương tự đã thành công ở nước ngoài.
Copycat giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc
Một nhà đầu tư thiên thần Mỹ đã chắp cánh cho hơn 500 startup trên thế giới từng nói rằng: “Bạn chỉ cần bắt chước 99% và chỉ cần 1% sáng tạo thôi cũng đã đủ để đánh bật các đối thủ ra khỏi thị trường”. Chính câu nói này đã chứng minh rằng, đôi khi bắt chước một mô hình nào đó không phải là điều xấu.
Nhìn từ thực tế, các gã khổng lồ trên thế giới đều khó để có thể khẳng định rằng sản phẩm của họ không bắt trước ở đâu đó. Và có nhiều startup cũng quan điểm rằng, thà trở nên tốt hơn bản nguyên gốc còn hơn là trở thành kẻ thất bại đầu tiên.
Lê Hồng Thảo Quyên, CEO Viral Works cũng quan điểm: “Có 8 tỷ bộ não trên thế giới, vậy bạn thực sự nghĩ mình có thể tạo ra một ý tưởng mà chưa ai làm bao giờ? Tại sao chúng ta phải đi giải bài toán mà người khác đã làm rồi? Hãy rút ngắn khoảng cách tới thành công bằng cách học hỏi và sáng tạo”.
Rất hiếm để gặp được một startup có thể nghĩ ra một ý tưởng mà chưa ai làm và nhất là có thể thành công với ý tưởng đó. Các startup thường học hỏi mô hình của người khác, sau đó áp dụng và bản địa hóa mô hình đó để phù hợp với người dùng. Việc học hỏi và bản địa mô hình đi trước sẽ giúp ích rất nhiều cho các startup cùng chung ý tưởng hoặc cùng muốn giải quyết vấn đề với mô hình đó.
CEO Lê Hồng Thảo Quyên cho rằng: “Học hỏi sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thứ, thời gian, công sức, tiền bạc và cả những bài học thành công, những bài học thất bại của họ. Chúng ta sẽ học được cách họ tìm kiếm khách hàng như thế nào và đi vào thị trường ra sao”.
Uber và Grab là ví dụ điển hình nhất cho những mô hình hoạt động tương tự nhau trong thị trường vận tải. Tuy nhiên, Uber ra đời trước và Grab đã học hỏi theo mô hình này. Vì Uber ra đời sớm hơn nên khi Grab nhảy vào thị trường thì người tiêu dùng hay đối tác đã hiểu được cách cơ bản để sử dụng một ứng dụng vận tải. Chính vì vậy, Grab không mất nhiều thời gian cho việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng mà có thời gian tập trung phát triển những mảng khác.
Khi bắt chước và học hỏi mô hình đã thành công ở các quốc gia khác, các startup không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc mà còn giúp cho quá trình kêu gọi đầu tư trở nên dễ dàng hơn.
“Có một lợi thế cho startup khi mình học hỏi mô hình của ai đó đã thành công đó là việc gọi vốn. Nếu gặp các nhà đầu tư và nói đây là ý tưởng một mình tôi có thì sẽ khó có thể tin. Nhưng khi trình bày về mô hình của mình với nhà đầu tư, mình có thể nói mô hình của tôi giống như mô hình này nhưng tôi có thể bản địa hóa để nó thành công. Như vậy, chuyện gọi vốn của mình sẽ trở nên dễ dàng hơn”, CEO Viral Works nói.
Copycat nhưng phải nội địa hóa để phù hợp
Trước khi bắt chước bất cứ một mô hình đã thành công từ quốc gia khác, các startup hãy luôn chú trọng 2 yếu tố. Thứ nhất, startup phải tìm được nét tương đồng giữa đất nước mình và đất nước có mô hình mà mình muốn bắt chước. Thứ hai, mô hình mà mình bắt chước có khả thi hay không, có đủ tiềm năng để tạo ra thị trường, tạo ra nhu cầu cầu hay không?
Học hỏi mô hình từ người khác để tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc nhưng các startup phải biết bản địa hóa để phù hợp với người dùng. Thị trường, khách hàng ở mỗi quốc gia đều có những đặc điểm riêng vì vậy học hỏi nhưng phải sáng tạo để phù hợp.
“Bản địa hóa mô hình kinh doanh là làm thế nào để thích nghi được với văn hóa, sở thích và hành vi của người tiêu dùng nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ gần giũi với họ. Đây cũng chính là chiến lược quan trọng giúp các startup Việt đứng vững trước sự vào cuộc của các ông lớn và tìm lợi thế cho riêng mình”, Lê Hồng Thảo Quyên nhận định.
Làm startup là chấp nhận rủi ro và việc lựa chọn học hỏi lại mô hình của người khác cũng là một quyết định đầy thách thức và mạo hiểm. Vì vậy, nếu các startup không bản địa hóa mô hình kinh doanh để phù hợp với thực tế trong nước thì không chỉ trở thành người đi sau mà sẽ dễ dàng trở thành người thua cuộc.
CEO Viral Works cũng chia sẻ: “Với tôi, câu chuyện về bản sắc, tầm nhìn của công ty mới là điều cực kỳ quan trọng. Đó chính là yếu tố cốt lõi và thành công của một startup. Còn việc học hỏi mô hình thì chỉ là công cụ thôi”.
Startup có thể bắt chước nhưng không có nghĩa là sao chép toàn bộ. Sáng tạo và phù hợp vẫn là hai yếu tố tiên quyết quyết định thành công của startup.
Khởi Minh – Theo Trí Thức Trẻ