Vượt qua những định kiến, giữ cho mình sự kiêu hãnh, hành trình khẳng định giá trị của Michelle Obama được khắc họa chân thực trong cuốn hồi ký: “Becoming – Chất Michelle”. Cuốn sách xứng đáng là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho tất cả
Định kiến và kiêu hãnh
Tác phẩm văn học kinh điển “Kiêu hãnh và định kiến” được hoàn thành vào năm 1797 nhưng nhiều nhà xuất bản đã từ chối vì một lý do duy nhất: cuốn sách viết bởi một người phụ nữ.
Cho đến năm 1813, tác giả Jane Austen sử dụng một bút danh khác của đàn ông, cuốn sách mới được xuất bản lần đầu. Jane Austen trở thành tác giả được đọc nhiều nhất của văn học Anh, và tác phẩm “Kiêu hãnh và định kiến” có sức sống đến tận ngày nay. Định kiến xã hội lúc đó chỉ mong chờ những người phụ nữ ở nhà, xinh đẹp, xem thường tất cả những thành tựu của họ.
Ngỡ rằng sau 300 năm, những định kiến của xã hội gắn lên phụ nữ đã phần nào được san lấp nhưng trong cuốn tự truyện của Michelle, định kiến đó vẫn âm thầm diễn ra và làm tổn thương bà và rất nhiều phụ nữ khác.
Bị gọi bằng những cái tên “Công chúa vùng Chicago” do một nhà báo nữ mỉa mai gán ghép vì cho rằng bà đang khiến hình ảnh Barack xấu đi trước mắt công chúng, khi bêu rếu ông không chịu cất lọ bơ vào tủ lạnh sau khi ăn hoặc không tự nhặt vớ của mình. Dù thực tế, đó chỉ là những mẩu chuyện vụn vặt nhưng đầy yêu thương về một cuộc sống gia đình rất đỗi bình thường.
Barack đã nói về hy vọng và sự khoan dung một cách sâu sắc đến mức giờ đây ai cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào ông. Còn bà Michelle chỉ muốn nói rằng, ông cũng là một người chồng người cha không hoàn hảo chứ chẳng phải đấng cứu thế. Ông gần gũi với mọi nhà, mọi tầng lớp, mọi giai cấp với một giấc mơ lớn rằng việc ông nắm giữ chức vị Tổng thống có thể xóa đi những mâu thuẫn của nước Mỹ trong hàng trăm năm qua. Nhưng rồi từ ý đó nhiều người nhào nặn bà trở thành một người vợ xấu tính, hay chỉ trích, không biết chia sẻ với chồng – người đang gánh trên vai công việc “vĩ đại”.
Michelle cay đắng nhận ra: “Nữ tác giả viết bài báo đó hẳn đã hài lòng nếu tôi trưng nụ cười như tạc và cái nhìn ngưỡng mộ đối với chồng mình như những người khác đã làm thay vì cố gắng sống thực và cho cả nước Mỹ biết rằng, gia đình Obama cũng như mọi gia đình khác”.
Bà biết hình tượng mình phải nhập vai, hình tượng người vợ hiền xinh đẹp luôn nở nụ cười, say sưa nhìn chồng như thể uống từng lời vàng ý ngọc. Bà khẳng định đó không phải và không bao giờ là Michelle Obama. Bà có thể ủng hộ ông nhưng bà không phải rô-bốt không dám sống với con người thật của mình.
Bà thấm thía rằng trong một đất nước vốn được xem “miền đất hứa” tự do, bình đẳng như nước Mỹ, vẫn tồn tại những định kiến, phụ nữ phải thế này, thế nọ, thế kia, … Nhưng không vì vậy mà bà chọn lựa cách sống “theo chuẩn” để tránh bị chỉ trích, dòm ngó.
Bắt đầu lại công việc sau một năm ở nhà chăm con, Michelle nhiệt huyết và hào hứng có thể trở lại với sự nghiệp của mình nhưng cảm giác một người mẹ, trách nhiệm hai đứa con buộc bà phải trong tâm thế cẩn thận để không bị công việc nuốt chửng. Việc “bật đèn xanh”, ủng hộ giấc mơ lớn của Barack buộc bà phải kiềm chế nhiệt huyết trong công việc, nhắm mắt làm ngơ với một phần tham vọng của bản thân, lựa chọn phải lùi lại vào những lúc đáng lẽ cần tiến lên.
Nếu trước đây Michelle là một người giàu tham vọng lẫn nghị lực, dấn thân trong mọi nhiệm vụ thì giờ đây bà phải cẩn trọng trong việc sử dụng thời gian vì biết rằng cần phải duy trì đầy đủ năng lượng cho cuộc sống gia đình. Đây là những đánh đổi của một bà mẹ vừa đi làm, vừa nuôi con với một người chồng bận rộn.
Chắc hẳn bà không phải là “Công chúa vùng Chicago” như phóng viên kia gán ghép, càng không đáng để bị các đối thủ của chồng dựng chuyện gọi bằng cái tên miệt thị “mụ đàn bà da đen giận dữ”. Nhưng để đồng hành trên con đường chính trường của chồng, bà không còn lựa chọn lựa chọn nào khác.
Cái đầu lạnh – trái tim ấm
Kiêu hãnh của Michelle, bà không muốn người khác nhắc đến mình chỉ vì bà là vợ Tổng thống: “Tôi thầm lo rằng khi người ta càng lúc càng biết đến tôi trong vai trò vợ Barack thì những phần khác trong tôi đang dần biến mất. Khi tôi nói chuyện với phóng viên, họ ít khi hỏi về công việc của tôi. Họ chèn thêm dòng chữ “tốt nghiệp Harvard” và chỉ dừng ở đó”. Những định kiến, đồn đoán rằng Michelle được thăng chức ở bệnh viên chẳng phải do năng lực mà do vị trí ngày càng cao của chồng bà. Những điều đó đã khiến bà đau lòng biết bao.
Dù yêu thương chồng và chấp nhận vài phần hy sinh cho công việc của Barack nhưng điều đó không có nghĩa bà phải từ bỏ mọi thứ để hỗ trợ ông. Michelle vẫn hay tranh luận với Barack về những khó khăn mà sự nghiệp chính trị đã gây cho gia đình nhiều năm qua. Với bà, mỗi cuộc tranh cử đều hằn thêm một vết thương lên tâm hồn và cuộc hôn nhân của bà với Barack.
Trong đầu của một người phụ nữ thực tế, Michelle hiểu, khi bước vào con đường tranh cử, ông sẽ phải đi xa hơn và lâu hơn. Không chỉ nửa tuần mà trọn vẹn một tuần, những phiên làm việc của ông sẽ không chỉ kéo dài từ bốn đến tám tuần một lần, với vài ngày nghỉ ở giữa mà sẽ là suốt mấy tháng liền. Bà phải tham gia vào chiến dịch cùng chồng, phải chuẩn bị để chính mình và hai cô con gái sẵn sàng xuất hiện trước công chúng, mỉm cười ủng hộ và bắt tay với nhiều người. Bà nhận ra, dù muốn hay không muốn mọi thứ phải lấy Barack làm trung tâm.
Sự lý trí quá mức khiến bà nghĩ rằng ông sẽ chẳng thể thành công. Michelle đã chứng kiến quá nhiều sự chia rẽ đến mức phải dập tắt những hy vọng bản thân, suy cho cùng chồng bà cũng chỉ là một người da đen ở Mỹ. Tuy vậy, bà vẫn hỗ trợ ông tranh cử vì sâu trong bản tính lý trí của người phụ nữ thực tế vẫn là tình yêu vô điều kiện, cảm động: “Tôi là ai mà lại cản trở anh? Làm sao tôi có thể đặt nhu cầu của hai đứa con gái của chúng tôi lên trước khả năng Barack có thể trở thành vị Tổng thống có khả năng mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho hàng triệu người?”.
Thông thường phụ nữ thường phân cho mình hai loại người, loại thứ nhất là người phụ nữ gia đình, yêu thương chồng con nhưng hiếm có cá tính, mạnh mẽ. Loại thứ hai theo hình tượng “nữ cường”, quá độc lập, đam mê công việc đến mức quên gia đình. Có bao nhiêu phụ nữ biết tiến, lùi đúng thời điểm? Để có thể tròn vẹn vai trò một người vợ, người mẹ trong gia đình vừa viên mãn với con đường sự nghiệp. Michelle vừa là bạn vừa là cố vấn cho chồng. Đó không phải là con người vốn sẵn có trong bà mà là con người bà luôn có gắng hoàn thiện.
Khi Barack nhậm chức, bà luôn bị hàng triệu triệu con mắt đánh giá, từ màu sơn móng tay đến kích cỡ vòng ba đều bị mổ xẻ, bàn tán công khai. Những định kiến cho rằng Đệ nhất phu nhân nước Mỹ phải trở thành người phụ nữ sành điệu và thanh lịch nhất. Michelle không được sai sót vì đại diện cho một Quốc gia. Người ta quên rằng chẳng có một cẩm nang nào dạy một người bình thường trở thành Đệ nhất phu nhân sau một đêm. Trước khi đến với vai trò mới, Michelle cũng chỉ là người mẹ, người vợ luôn cố gắng trong công việc, yêu thương gia đình, không thể “nhập vai” hoàn hảo như kỳ vọng.
Trong chiến dịch quảng bá cuốn hồi ký “Chất Michelle” của mình ở Pháp, Michell tự tin và thẳng thắn chia sẻ: “Rất khó để khẳng định giá trị của bạn lớn lao thế nào trong thế giới này, đặc biệt khi bạn là một người phụ nữ. Tôi biết rõ giá trị của mình và tôi có thể biến giá trị đó thành tiền” (theo tờ La Croix). Và sau đó, không chỉ dừng lại ở lời nói, Michelle khẳng định được vị trí và giá trị của mình bằng 10 triệu cuốn hồi ký bán ra chỉ sau 4 tháng và cuốn sách của bà ngay lập tức trở thành một hiện tượng xuất bản toàn cầu.
Có thể nói, trong suốt những năm tháng từ ấu thơ đến trưởng thành hay trở thành người phụ nữ quyền lực hàng đầu nước Mỹ, Michelle đã kiêu hãnh vượt lên những định kiến, không phải là một “pho tượng” được tạc luôn mỉm cười xuất hiện cùng chồng với danh xưng “bà Obama”. Với một cái đầu lạnh, trái tim ấm, bà khẳng định vị trí của mình trong trái tim nước Mỹ với tên gọi riêng của mình – một Michelle Obama, người phụ nữ mạnh mẽ, có cá tính và sự nghiệp. Cuốn sách “Chất Michelle” cũng tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều người phụ nữ khác trên thế giới.
Sâu Búc – Theo Nhịp Sống Kinh Tế