Những ông chủ thể hiện sự quan tâm tới đời sống tinh thần của nhân viên sẽ khiến họ có động lực làm việc và gắn bó với công ty hơn. Dưới đây là những hành động đơn giản mà các sếp có thể lập tức áp dụng để khích lệ tinh thần nhân viên.
1. Cho nhân viên thời gian họ cần
Nhu cầu sử dụng thời gian để xử lý đau buồn của mỗi người đều khác nhau. Không có thời gian biểu chính xác cho việc lấy lại tinh thần của một người khi gia đình có người thân vừa qua đời hoặc có chuyện đau thương xảy ra trong cuộc sống. Một số người lao vào công việc ngay lập tức để quên đi nỗi buồn. Cũng có những người cần rất nhiều thời gian để thương tiếc và đau khổ. Mất một nhân viên quan trọng để xử lý công việc trong vài tuần, vài tháng là rất nghiêm trọng. Nếu sếp có thể thông cảm cho nỗi đau sâu sắc đó và cho họ đủ thời gian để vực dậy tinh thần thì họ sẽ rất cảm kích và càng sớm trở lại.
2. Gửi tin nhắn động viên
Không ai muốn cuộc sống 24/7 chỉ xoay quanh áp lực công việc và chỉ tiêu. Thay vì ngày ngày chỉ nói chuyện với nhân viên về công việc, sếp hãy nói những lời động viên để họ có động lực hơn. Sau một ngày làm việc căng thẳng, sếp hãy gửi tin nhắn hoặc email đến các thành viên trong đội, khen họ làm việc tốt, chăm chỉ, cảm ơn nỗ lực của họ (tất nhiên chỉ vào những ngày công việc đặc biệt gây ra cảm giác nặng nề, chứ không nên gửi tin nhắn mỗi ngày).
Không chỉ có thông điệp khích lệ, sếp cũng có thể giúp nhân viên gửi các thông báo đau buồn. Khi có người thân qua đời, đôi khi chúng ta sẽ thấy ngại ngần để thông báo với đồng nghiệp. Sếp hãy đứng ra gửi tin nhắn hoặc email tới mọi người để cả đội chú ý quan tâm tới cảm xúc của nhân viên đó hơn.
3. Linh động về địa điểm làm việc
Tất nhiên việc linh động chỉ áp dụng với các nhân viên đang thực sự suy sụp tinh thần. Thay vì bắt nhân viên phải có mặt ở văn phòng, sếp hãy sắp xếp cho họ làm việc tại nhà để họ có thể ngủ dậy muộn một chút, gần gia đình hơn một chút. Việc linh động chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, không kéo dài khiến nhân viên trở nên lười biếng. Hoặc thỉnh thoảng sếp hãy cho cả đội ra quán cà phê làm việc để bớt căng thẳng hơn. Một tháng một lần sếp thuê phòng ‘working space’ để mọi người làm việc trong không gian mới mẻ cũng rất tốt.
4. Sắp xếp một ‘chốn bình yên’ trong văn phòng
Điều này nghe có vẻ xa xỉ nhưng hoàn toàn thực hiện được. Trong công ty thường có các phòng riêng để phỏng vấn ứng viên, bạn hãy thiết kế cho căn phòng đó phù hợp với nhu cầu “bình yên” của nhân viên. Ví dụ, căn phòng nên được sơn màu xanh nhạt, treo một vài bức tranh phong cảnh, có mùi thơm tinh dầu và một giá sách (để các loại sách về tinh thần, câu chuyện thành công, lối sống lành mạnh…).
5. Mang đến những món quà bất ngờ
Bốn giờ chiều là thời điểm “vàng” cho dạ dày kêu gào một bữa xế. Thỉnh thoảng sếp hãy bí mật gọi đồ ăn, đồ uống nhẹ cho mọi người trong văn phòng. Hoặc trong thời điểm công việc căng thẳng, sếp có thể đề xuất với ban lãnh đạo cấp một khoản tiền nho nhỏ để phát cho mỗi nhân viên vào lúc 3 giờ chiều hàng ngày để họ tự ăn nhẹ (việc này chỉ nên diễn ra tối đa trong 1 tuần, không nên kéo dài nếu không sẽ hình thành thói quen vòi vĩnh không tốt).
Với các nhân viên đặc biệt xuống tinh thần, sếp hãy gửi cho họ một món quà nhỏ để họ biết mình vẫn được cấp trên âm thầm quan tâm. Đôi khi hãy mời họ đi spa, ăn uống, cafe như những người bạn bình thường.
6. Tổ chức team building tại chỗ
Khi không khí văn phòng trở nên căng thẳng đến khó thở, đã đến lúc các trò board game và team building tại chỗ phát huy tác dụng. Sếp hãy cho mọi người tạm nghỉ nửa đến 1 tiếng để cùng thư giãn giữa giờ.
Một người sếp tâm lý sẽ khiến nhân viên cảm kích và cống hiến trên cả khía cạnh công việc và con người – con người.
Minh Minh (TTVN)