Thất bại lớn nhất của chúng ta là chịu thua chính mình, muốn có được tất cả thì phải biết trả giá và đánh đổi thực sự.
Dù là Jack Ma, Bill Gates, Steve Jobs hay bất cứ một ai muốn đặt chân tới thành công đều từng nếm mùi hoặc ít hoặc nhiều lần thất bại, thậm chí là gục ngã dưới vực sâu. Thế nhưng, điều quan trọng nhất là họ biết đánh đổi những bài học đó trở thành nấc thang để leo lên. Còn leo lên được tới đâu thì kết quả lại phụ thuộc vào chính năng lực và sự phấn đấu của mỗi người.
Có một nhóm bạn trung niên cùng ngồi lại trò chuyện với nhau sau cả năm bận rộn. Nhắc tới sự nghiệp làm ăn, người thì khoe gia đình năm nay khấm khá, ăn nên làm ra hơn trước nhiều, người thì lại buồn rầu chán nản, than vãn tình hình thua lỗ trong kinh doanh. Lúc này, bỗng có người nhắc tới:
– “Anh Trương, đợt trước tôi nhớ là anh có bảo phá sản phải đóng cửa công ty rồi, thế giờ anh đang làm gì?”
Người đàn ông được hỏi thừa nhận: “Đúng vậy, 5 năm trước tôi đã mất sạch cả gia tài. Khổ không kể xiết, nhưng giờ thì ổn cả rồi.”
Mọi người tò mò hỏi han thêm, anh Trương mới chia sẻ: “Là thế này, lúc đó tôi đóng cửa công ty, bán nhà bán cửa, chạy vạy khắp nơi mới lo êm xuôi vụ phá sản. Xong rồi cả nhà phải dắt nhau đi làm thuê, ở thuê, ăn bữa nay lo bữa mai. Sau đó, tôi tình cờ gặp một ông chủ, người đó đã dạy cho tôi 5 bài học quan trọng, khuyên tôi bán tài sản dưới quê đi để dần dần tìm cách bắt đầu lại. Và rồi các ông thấy đó, thất bại càng sâu thì học được càng nhiều, nhờ thế, tôi lấy lại được cả gia tài bạc tỷ chỉ sau 5 năm mà thôi.”
5 bài học sống còn đã giúp người đàn ông vực lại từ thất bại của mình chính là những lời khuyên quan trọng sau đây:
1.Duy trì giao tiếp với mọi người
Khi rơi vào thất bại, rất nhiều người quen thói sĩ diện, cảm thấy mất mặt nên từ chối qua lại với tất cả bạn cũ, hủy hoại hoàn toàn mạng lưới quen biết trước đây mà không biết rằng, đó mới là tài sản quan trọng duy nhất mà họ còn có được. Tại thời điểm này, các mối quan hệ sẽ là nguồn sáng thúc đẩy chúng ta vượt qua khó khăn, là cầu nối giúp chúng ta phát triển, nhận ra ai là bạn, ai là bè để thực sự trân trọng những giá trị chân thành xung quanh.
2.Luôn luôn tiến về phía trước
Thất bại có thể khiến chúng ta khom lưng cúi đầu vì gánh nặng tài chính nhưng nhất định không được dậm chân tại chỗ. Cho dù mỗi bước đi đều khó khăn và nặng nề thế nào, cho dù có phải bò hay lết về phía trước, chúng ta cũng không được phép dừng lại vì đâu phải ai cũng còn nhiều thanh xuân, tinh lực, sức khỏe và thời gian để lãng phí. Nếu chính mình còn tự dễ dãi với bản thân, tự buông bỏ mục tiêu cuộc đời thì sẽ chẳng có ai đủ kiên nhẫn để luôn đi sau lưng thúc đẩy bạn tiến bước.
3.Nói ít làm nhiều
Khi có tiền bạc trong tay, đứng ở vị trí lãnh đạo, chúng ta chỉ cần đưa ra ý tưởng, tự khắc sẽ có người phải lên kế hoạch để biến ý tưởng đó thành hiện thực. Nhưng khi đã mất mọi thứ trong tay, lời nói ra cũng chẳng ai quan tâm hay đón ý nói hùa. Vì thế, hãy học cách giữ im lặng, tự tập trung vào tư duy của mình, tự dành thời gian tìm hiểu và thực hiện, làm nhiều hơn nói để đem tới những giá trị thực sự.
4.Luôn tìm cách vượt qua chính mình
Chúng ta của quá khứ là một con người đã từng sai lầm, nếu không thể thay đổi bản thân thì dù cố gắng đến mấy, ai sẽ đảm bảo bạn không quay trở lại với sai lầm kia một lần nữa? Chúng ta phải dũng cảm nhìn vào thất bại trong quá khứ, tìm ra những hạn chế trong đó, tìm cách vượt qua và thay đổi hoàn toàn. Chỉ có như vậy, tiềm năng và nội lực thật sự bên trong mỗi con người mới có cơ hội bộc lộ. Dám thách thức bản thân càng nhiều, cơ hội thay đổi cả tương lai của chúng ta càng cao.
5.Tiếp thu kiến thức
Bên trong mỗi cuốn sách là cả biển trời tri thức dành cho con người. Mỗi ngày đều duy trì thói quen đọc sách, chúng ta mới có thể tiếp thu thêm nhiều kiến thức, mở rộng vốn sống, phát triển trí tuệ và sự khôn ngoan để nắm bắt thành công trong tầm tay. Đừng trông chờ may mắn một ngày nào đó sẽ đến kéo chúng ta ra ngoài thất bại, chỉ có bản lĩnh thực sự mới là nấc thang vững chắc để thoát khỏi vực sâu.
Theo Dương Mộc – Trí Thức Trẻ