Mỗi ngày đi làm đều là mỗi ngày người trẻ bị đày đọa bởi công việc mà mình chán ghét. Họ vật vờ như một cái xác khô trong văn phòng, chỉ chực chờ đến giờ được xách túi về nhà. Nguyên nhân là vì đâu?
Trong lúc đứng chờ ở cửa hàng thực phẩm, tôi chợt nghe thấy một người đàn ông than thở về những nhân viên trẻ của mình.
“Tâm trí họ cứ vẩn vơ ở đâu ấy,” ông nói với vợ và bà ấy gật đầu đồng tình. “Họ nghĩ mình có đặc quyền, vô trách nhiệm, lười biếng và rất khó quản lý.”
Là một người thuộc thế hệ X (40-60 tuổi), tôi đã nghe không biết bao nhiêu lời định kiến về người trẻ. Nhưng là một nhà tâm lý trị liệu thường xuyên làm việc với người trẻ (90% bệnh nhân của tôi thuộc nhóm này) hơn 5 năm nay, tôi thấy họ đều là những người rất thông minh, có lý tưởng, đa dạng và tham vọng.
Giống như bất cứ thế hệ nào khác, người trẻ cũng có những vấn đề phải vượt qua. Nhưng tôi đồng ý với người đàn ông kia: Ở một mức độ nào đó, hầu hết người trẻ đều gặp khó khăn trong công việc.
Hầu hết các bệnh nhân của tôi từng nói: “Tôi ghét công việc của mình.”
Tại sao người trẻ lại ghét công việc của mình?
Lực lượng lao động hiện nay chủ yếu là người trẻ, nhưng theo khảo sát của Gallup 2016, 71% trong số họ không thực sự hứng thú với công việc. Có tới 60% số người được hỏi mong muốn đi tìm cơ hội mới.
Sau khi khảo sát hơn 1 triệu người, nghiên cứu của Gallup đã chỉ ra, lực lượng lao động trẻ ngày nay đa phần đều hờ hững với công việc.
“Họ không có năng lượng hay đam mê để làm việc,” các nhà nghiên cứu cho biết. “Họ thờ ơ với công việc và chỉ đi làm cho có.”
Có rất nhiều nguyên nhân tiềm tàng dẫn tới việc người trẻ không còn mặn mà với công việc, và đây là những lý do phổ biến nhất:
– Kỳ vọng quá cao, thiếu thực tế về công việc hàng ngày của mình
– Thiếu kiên nhẫn, dễ bực tức vì muốn sự nghiệp thăng tiến theo tháng thay vì năm
– Tiếp xúc quá nhiều với mạng xã hội, khiến bản thân có cái nhìn lệch lạc rằng ai cũng có cuộc sống tốt đẹp.
– Sếp không cho cơ hội để thể hiện bản thân hoặc công việc không có triển vọng
Hãy loại bỏ suy nghĩ “Tôi ghét công việc của mình” ra khỏi đầu!
Không phải ai cũng ghét công việc của mình với lý do giống nhau. Có người phải làm việc trong môi trường có văn hóa công sở “độc hại”, có người thiếu sự ủng hộ tích cực từ các cấp quản lý.
Nhưng bằng kinh nghiệm làm việc với hàng trăm bệnh nhân trẻ, tôi phát hiện ra nguyên nhân quan trọng nhất là thực tế tại công sở không đáp ứng được những kỳ vọng của họ. Nếu bạn thuộc nhóm người này, dưới đây là lời khuyên dành cho bạn.
Ngừng than vãn “Tôi ghét đi làm”
Đa phần những người mà tôi quen, bất kể ở lứa tuổi nào, đều từng làm công việc mà mình ghét. Đó là con đường ai cũng phải một lần trải qua nếu muốn trưởng thành.
Tuy nhiên, phàn nàn sẽ chẳng đưa bạn đi tới đâu. Thay vì nói: “Tôi ghét công việc này”, hãy thử tìm hiểu xem, chính xác điều gì đang khiến bạn không hạnh phúc. Có thể bạn buồn vì không được thăng chức, hoặc bạn cảm thấy mình có thể làm được nhiều hơn những gì được giao phó.
Một khi đã tìm được lý do, hãy tự hỏi bản thân: Mình có thể thay đổi điều gì?
Nếu không được thăng chức, tại sao bạn không hỏi sếp để biết mình cần làm gì để đạt được điều đó? Nếu bạn nghĩ mình đủ sức để đối mặt với những thử thách lớn hơn, tại sao không thử làm các nhiệm vụ khác để chứng tỏ giá trị của mình với công ty?
Hạ thấp kỳ vọng, nâng cao tiêu chuẩn của bản thân
Kỳ vọng và tiêu chuẩn hoàn toàn không giống nhau.
Kỳ vọng là niềm tin mãnh liệt rằng chuyện gì đó sẽ xảy ra hoặc không xảy ra. Bởi kỳ vọng chứa phần tưởng tượng nhiều hơn phần thực tế, nó có thể khiến con người ta thất vọng khi không đạt được kết quả như mong muốn. Bạn cần phải nhớ rằng, kỳ vọng là niềm tin, không phải thực tế.
Tiêu chuẩn của một người mức độ, chừng mực mà họ coi đó là bình thường. Nó sẽ trở thành nền tảng để họ đánh giá. Tiêu chuẩn thường dựa vào số liệu, đặc điểm thực tế, tạo ra một khuôn mẫu để một người đưa ra quyết định phù hợp với quan niệm của mình.
Để cân bằng giữa kỳ vọng và tiêu chuẩn, bạn phải nâng tiêu chuẩn của mình, nhưng đừng kỳ vọng những tiêu chuẩn đó sẽ được đáp ứng 100%. Thứ duy nhất nằm trong tầm kiểm soát của bạn là những tiêu chuẩn bạn đặt ra cho mình và mọi người xung quanh.
Cân nhắc các khả năng và rèn tính kiên nhẫn
Khi chọn một công việc, người trẻ thường coi trọng mục đích hơn tiền lương. Đây là điều rất đáng ngưỡng mộ.
Thế nhưng, trước khi quyết định nghỉ việc và ứng tuyển vào các công việc khác, hãy dành thời gian ngẫm nghĩ xem đâu mới là điều bạn trân trọng và đâu là ảnh hưởng mà bạn muốn gây dựng.
Một khi bạn biết điều gì là quan trọng với mình, bạn sẽ tìm được công việc phù hợp với mình. Hãy nhớ rằng, bạn sẽ không thể tìm được công việc trong mơ của mình.
Người thành công sẽ biết tập trung vào những điều mình có thể học hỏi từ công việc hiện tại. Kỹ năng và kinh nghiệm mà họ tiếp thu được sẽ giúp họ tìm ra những cơ hội lớn hơn. Vì thế, muốn sự nghiệp thăng tiến, bạn phải biết kiên nhẫn. Sẽ phải mất rất nhiều năm bạn mới có thể tự hào nói: “Tôi yêu công việc của mình”.
Đối xử tốt với bản thân
Có hai điều bạn không nên làm mỗi khi bực mình hay stress vì công việc:
– Dồn nén cảm xúc vào lòng
– Tìm sự an ủi trên mạng xã hội
Thay vào đó, hãy thử nói chuyện với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người cố vấn, hoặc thậm chí là một nhà tư vấn tâm lý để được hỗ trợ. Để thành công, bạn cần phải tạo ra và ưu tiên các mối quan hệ lành mạnh. Chỉ khi được ở bên những người thực sự quan tâm và lắng nghe bạn, bạn mới có thể đối đầu với stress.
Bài chia sẻ của Tess Brigham – nhà trị liệu tâm lý, huấn luyện viên đời sống ở San Francisco. Bà đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực trên và thường xuyên làm việc với người trẻ.
Ngọc Hà – Theo Trí thức trẻ/CNBC