Trung Quốc phát triển quân đội chỉ vì mục đích tự vệ – Đại sứ Trung Quốc tại Philippines khẳng định trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên Biển Đông leo thang.
Trung Quốc sẽ không trở thành bên khai hỏa trước tại Biển Đông, vì quân đội Trung Quốc chỉ được xây dựng và phát triển với mục đích phòng vệ, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa khẳng định tại lễ kỷ niệm 92 năm thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), được tổ chức tại thành phố Makati của Philippines.
“Chiến lược quân sự của Trung Quốc là chủ động phòng vệ và tuân thủ theo nguyên tắc phòng thủ, tự vệ và phản ứng sau khi bị tấn công. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ không khai hỏa trước”, tờ Global Inquirer của Philippines trích dẫn phát biểu của ông Triệu.
Bên cạnh đó, ông Triệu còn tái khẳng định cam kết “vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên toàn thế giới” của PLA.
“Trung Quốc phát triển lực lượng quân đội chỉ vì mục đích tự vệ, mục tiêu bảo vệ đất nước, đảm bảo người dân được sống trong một môi trường hòa bình, không phải chứng kiến những thảm họa và thương vong vì chiến tranh, để họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Triệu nói.
“Đây là cam kết của [chính phủ Bắc Kinh] đối với người dân Trung Quốc và đối với thế giới, và điều này cũng đã được nêu trong Hiến pháp Trung Quốc. Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục đi theo con đường phát triển hòa bình.
Dù Trung Quốc có trở nên hùng mạnh ra sao, thì chúng tôi cũng sẽ không bao giờ có ý định trở thành bá chủ hay thiết lập phạm vi ảnh hưởng”, ông Triệu khẳng định.
Nhằm dẫn chứng cho phát biểu trên, ông Triệu đã liệt kê những con số ấn tượng về hoạt động của hải quân Trung Quốc: Cụ thể, 32 hạm đội – bao gồm hơn 100 tàu chiến và khoảng 70 trực thăng – đã được triển khai, và lực lượng này đã hộ tống hơn 6.000 tàu, giải cứu hơn 70 tàu gặp nạn trên biển.
Bên cạnh đó, Đại sứ Triệu cũng khẳng định rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục thảo luận về những vấn đề trên Biển Đông với các quốc gia liên quan, trong đó có Philippines, nhằm giải quyết những xung đột trong khu vực.
Phản ứng của Philippines
Bình luận về phát ngôn trên của Đại sứ Trung Quốc, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte – ông Salvador Panelo – cho biết Manila không chỉ nghe phát ngôn của nước khác ở “bề ngoài”.
“Tổng thống [Duterte] sẽ luôn cân nhắc những khía cạnh sâu xa hơn trong những phát ngôn đó”, ông Panelo nói.
Theo phân tích của nhiều báo Philippines và báo phương Tây, Philippines đang phải chịu nhiều thiệt hại từ những hoạt động của đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc, cũng như các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa của Trung Quốc trên vùng Biển Đông trong thời gian qua.
Gần đây, mối quan hệ của Trung Quốc và Philippines lại một lần nữa bị thử thách, khi tàu cá FB Gem-Ver 1 của Philippines bị một tàu cá Trung Quốc đâm chìm gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông hồi đầu tháng 6 vừa qua. Điều khiến dư luận Philippines càng thêm phẫn nộ, đó là tàu cá Trung Quốc đã bỏ rơi 22 thủy thủ của tàu Gem-Ver 1 sau khi tàu này bị đâm chìm.
Liên quan tới vụ việc tàu cá bị đâm chìm hồi tháng 6, một thông tin khác cũng khiến dư luận Philippines bối rối, đó là thỏa thuận “miệng” giữa Tổng thống Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc ngư dân Trung Quốc được phép đánh bắt cá trong khu vực EEZ của Philippines vì “tình hữu nghị của hai nước”.
Ngoại trưởng Philippines đã bác bỏ thỏa thuận “miệng” nói trên, và một số quan chức Philippines cũng đã cáo buộc Tổng thống Duterte vi hiến khi có động thái này.
Tuần trước, tờ Thời báo Hoàn Cầu (phụ bản của tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) gần đây đã đăng tải bài viết khen ngợi những hành động và phát ngôn của Tổng thống Philippines Duterte về những vấn đề liên quan tới Biển Đông.
Tờ này đã khen ông Duterte là một nhà lãnh đạo chủ trương “hòa bình”, “hợp tác” và “kiềm chế” trong những căng thẳng trên Biển Đông, “dù ông ấy nhận được không ít chỉ trích từ dư luận trong nước, cũng như những lời xúi giục của Mỹ”.
theo Trí Thức Trẻ