Khi nghe đến “bắt nạt” chắc hẳn bạn chỉ nghĩ đến việc đó là vấn đề của trẻ con, không có gì quá nghiêm trọng. Nhưng có thể bạn cũng đang là một nạn nhân của “bắt nạt” mà hoàn toàn không nhận ra.
Vậy trước tiên chúng ta cần phải xác định xem như thế nào là bị “bắt nạt”. “Bắt nạt” không chỉ đơn giản là hành vi làm bạn tổn thương thể chất mà ngay cả trong lời nói, cách đối xử hàng ngày cũng thể hiện ra việc bạn đang bị bắt nạt. Những hành động thích dọa dẫm hoặc điều khiển người khác để đạt được mục đích của mình cũng chính là bắt nạt.
Nếu ai đó thường xuyên gọi bạn bằng một biệt danh nào đó liên quan đến những điểm yếu về tính cách hoặc ngoại hình của bạn thì chính là họ đang bắt nạt bạn đấy. Nếu một nhóm cố tình cô lập hoặc phớt lờ bạn thì đó cũng chính là một dạng bắt nạt.
Thường chúng ta sẽ nghĩ rằng chỉ những người yếu thế mới dễ dàng bị bắt nạt, nhưng thật ra đối tượng bị bắt nạt có thể là bất cứ người nào, ngay cả cấp trên của bạn cũng có thể trở thành nạn nhân khi bạn hăm dọa nghỉ việc trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”.
Vì sao người ta lại thích bắt nạt?
Chúng ta nghĩ rằng những người hay bắt nạt người khác là những người không có lòng tự trọng, nhưng thật ra do lòng tự trọng của họ quá cao, họ không muốn người khác nhìn thấy tình cảnh khó khăn xấu hổ của bản thân mình. Họ che lấp những nỗi đau tinh thần của mình hoặc cảm giác kém cỏi của bản thân bằng cách công kích người khác. Che đi cảm giác không chắc chắn từ sâu trong lòng và tạo cho mình cảm giác luôn được ở trong vỏ bọc an toàn.
Hoặc có thể họ đã từng là nạn nhân, họ từng bị bắt nạt qua, họ chán ghét việc bị bắt nạt và bắt đầu trở thành người bắt nạt người khác để trút giận. Cũng có thể đó là những người cô đơn, phải đối diện với các vấn đề xảy ra trong gia đình họ.
Cũng có thể họ là những người có tính cách ích kỷ, hoặc được nuông chiều quá mức, họ thích cảm giác khống chế người khác hoặc đó là những người rất hiếu chiến, hoàn toàn không quan tâm gì đến cảm xúc của người khác, những người này chỉ thỏa mãn cái tôi của mình mà bắt nạt người khác.
1. Hạn chế phản ứng với hành động bắt nạt
Đừng cho kẻ bắt nạt thấy rằng bạn đang bị tổn thương, cũng đừng để họ nghĩ rằng họ đã thành công khi gây ảnh hưởng đến bạn. Hãy bước ra khỏi đó, cho họ thấy bạn không hề quan tâm đến những gì họ làm
Bạn có để ý người sợ chó luôn bị chó cắn nhiều hơn những người không sợ chó không? Rõ ràng những người đó họ chẳng làm gì cả, thậm chí còn né tránh, thế nhưng con chó cứ xông ra hung hăng đe dọa như thể nó nhìn thấy được nỗi sợ của họ. Trong khi đó, những người không sợ chó thì lại điềm nhiên bước qua con chó và không sao hết.
Tại sao lại như vậy? Một khi đã “sợ” và “đề phòng” ai đó, nghĩa là bạn đang đặt người đó vào vị trí đối nghịch, hoặc xem họ như kẻ thù của mình. Những người sợ chó chắc chắn là không yêu chó rồi và chắc hẳn con chó cũng cũng nhận ra điều ấy, cho nên nó sẽ xông tới và tấn công họ.
Vấn đề dường như ở con chó hung dữ nhưng thực ra chính là ở bản thân người sợ chó. Nếu không sợ, cứ đàng hoàng, ung dung mà đi, cứ thân thiện thì con chó cũng tự nhiên sẽ không còn tấn công bạn nữa. Bởi vì có lẽ chẳng ai thích thú gì khi tiếp xúc với một người mà lúc nào cũng đề phòng, căng thẳng với mình. Bạn hãy tự nói với bản thân mình: “Cây ngay sợ gì chết đứng”, cứ làm việc thật tốt, sống ngay thẳng, vui vẻ hoà nhã với mọi người xung quanh thì sợ gì một người nói xấu hay bắt nạt mình.
Có những người cuộc sống của họ không hạnh phúc, trong lòng họ chất chứa những đau khổ, oan trách… vì thế mà trở nên hẹp hòi, khó chịu. Nếu như có ai đó hiểu họ, yêu thương họ, chìa bàn tay ra giúp đỡ… chưa chắc họ đã xấu như thế. Bạn có biết gì về cuộc sống của họ không, bạn đã bao giờ đối xử thân thiện và tình cảm với họ chưa? Nếu họ ghét bạn, bạn ghét lại, như vậy mối quan hệ đó sẽ không bao giờ được cải thiện mà chỉ càng xấu đi.
2. Học cách tự chăm sóc bản thân mình
Bắt nạt chỉ chiến thắng khi bạn cảm thấy buồn bã, thất vọng. Khi tâm trạng của mình có chiều hướng đi xuống do phải đối mặt với những kẻ bắt nạt, bạn hãy dành thời gian cho bản thân để ra ngoài đi dạo, tập thể dục hay chỉ đơn giản ngồi thư giãn với một tách trà thảo mộc có tác dụng làm dịu cảm xúc của bản thân. Chú ý đến bữa ăn trong ngày, ăn uống lành mạnh đầy đủ, ngủ đủ giấc cũng sẽ làm cho tinh thần của bạn thả lỏng.
Cố gắng chuyển trọng tâm của bản thân sang những việc tích cực hơn, kết nối với những người thân yêu trong gia đình. Bạn bè người thân của bạn có thể khuyến khích và hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc giải tỏa những áp lực mà bạn đang phải gánh chịu. Nếu tinh thần của bạn thật sự không chống đỡ nổi, hãy mạnh dạn tìm đến các chuyên gia sức khỏe tâm thần để được tư vấn chuyên nghiệp hơn. Hãy nhớ rằng bản thân bạn sẽ không đơn độc, sẽ luôn có người đồng hành với bạn dù cho có bất kỳ vấn đề gì xảy đến.
3. Hãy thể hiện lòng tốt một các vô tư nhất
Bạn hãy đối xử thật tử tế với tất cả những người xung quanh, kể cả những người mà bạn không thân cận hoặc những người hoàn toàn khác hẳn với bạn. Chúng ta không thể nào biết được có thể chỉ một nụ cười, một lời hỏi thăm đơn giản, một lời chào hay chỉ là hành động tiện tay giữ cánh cửa cho người đi sau cũng có thể làm cho một ai đó cảm thấy thật ấm áp, làm cho một ngày đầy khó khăn của họ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Khi bạn tử tế với người khác, thì họ sẽ đáp lại bạn bằng sự tử tế, nhưng không phải tất cả đều theo quy luật như thế và đó cũng không phải chuyện gì to tát. Hãy cứ sống tử tế với mọi người, những cử chỉ dù lớn hay nhỏ xuất phát từ lòng tốt của chúng ta sẽ hình thành nên nhân cách tốt đẹp. Và sự tốt đẹp đó nhất định sẽ ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh bạn.
Có thể bạn nghĩ sự tử tế của một cá nhân chỉ như một giọt nước trong đại dương, nhưng thiếu đi một giọt nước đó đại dương cũng sẽ ít đi một giọt nước. Đừng ngại ngần trở thành một giọt nước trong đại dương của sự tử tế.
4. Hãy tự tin vào bản thân, tin vào sức mạnh bên trong của mình
Mỗi người đều có một sức mạnh được nuôi dưỡng nội tại bên trong mình. Vấn đề là ở chỗ nhiều kẻ bắt nạt cố làm cho bạn tin rằng bạn không có sức mạnh đó, làm cho bạn trở nên kém cỏi hơn họ. Điều đó không đúng. Hãy đề phòng với hành động cố ý hạ thấp bạn và khiến bản thân bạn cảm thấy yếu đuối khi bị bắt nạt. Bạn hãy tin rằng chúng ta mạnh hơn họ, họ sẽ không lấy đi được của bạn những thứ như lòng tự tôn, tự trọng… hay bất cứ thứ gì, vì xét cho cùng, bạn “đang” mạnh hơn họ rất nhiều và sẽ mãi mạnh hơn họ.
Khi bạn mạnh mẽ hơn họ, bạn hoàn toàn có thể bình tĩnh đáp trả lại những kẻ bắt nạt và khiến họ ở một vị trí yếu thế hơn bạn. Đó chính là điều khủng khiếp nhất đối với những kẻ thích đi bắt nạt, họ đã không còn ở vị trí quyền uy hơn bạn, không thể khống chế được bạn theo ý muốn của họ. Tuy nhiên bạn phải thật bình tĩnh, suy nghĩ cẩn thận khi đáp trả để tránh việc họ phản ứng lại theo kiểu kích động dẫn đến xô xát. Như vậy chỉ làm cho tình hình càng trầm trọng hơn.
5. Đừng trở thành kẻ bắt nạt
Đừng cố bắt nạt lại họ, vì như thế bạn đang hạ thấp mình ngang với họ. Nếu họ chỉ làm bạn bực mình mà không gây hại đến bạn thì đừng nên cư xử thô bạo với họ. Nếu bạn đối xử với họ một cách cực đoan, thì bạn có thể bị xem là người có vấn đề.
Cần nhắc lại là bạn đừng bận tâm đến những gì họ nói về bạn. Cũng đừng dễ dàng bị họ đánh lừa, nếu họ cố gắng có hành động tử tế với bạn và thật sự phát ra từ trong tâm họ, bạn hãy cho họ cơ hội. Nhưng nếu họ có vẻ như giả vờ thì bạn cứ lờ đi. Đừng vì người khác đối xử không tốt mà mình trở nên còn tệ hơn họ.
Hãy nhớ rằng, những gì bạn không thích thì không nên làm với người khác. Hãy lấy sự tử tế và bao dung để đáp lại những ghét bỏ.
Minh Nguyệt (T/h)