Nhìn lại sử sách các triều đại thì khi đất nước có minh quân biết trọng dụng người tài đức thì quốc thái dân an. Trái lại, khi đất nước có hôn quân bức hại trung thần thì thiên hạ loạn lạc, dân chúng lầm than.
Đối với phạm vi nhỏ như một đoàn thể hay lớn như một quốc gia mà nói, việc biết nhìn người và dùng người là vô cùng quan trọng. Nếu đất nước có được minh chủ có con mắt tinh tường sẽ nhận biết được người tài, ngược lại sẽ làm hại trung lương. Hết thảy bậc đế vương anh minh sáng suốt đều là người có con mắt tinh tường và tấm lòng quảng đại. Bởi vì có con mắt tinh tường, trí tuệ sáng suốt nên họ có thể nhận biết được hiền tài. Bởi vì có tấm lòng quảng đại, nên họ có thể dung nạp được người khác.
Hoàng đế Đường Thái Tông nhà Đường có khả năng dùng người tài tình nên danh thần hội tụ mà thành tựu được “Trinh Quán chi trị” huy hoàng nhất trong lịch sử. Còn Tống Cao Tông, Minh Anh Tông có mắt không tròng sát hại oan trung thần Nhạc Phi, Vu Khiêm, phá hủy Trường Thành. Hoàng đế Minh Sùng Trinh không biết phân biệt đúng sai, chính tà dẫn đến mắc sai lầm giết chết trung thần Viên Sùng Hoán, cuối cùng khiến giang sơn Đại Minh bị tiêu vong.
Nếu lật lại những trang sử của các triều đại, không khó để nhận ra rằng sự hưng suy của một đất nước thường không tách rời với việc quân chủ trọng dụng người hiền tài hay bị mê hoặc bởi gian thần. Trong “Đế phạm. Thẩm quan đệ tứ”, Hoàng đế nhà Đường, Đường Thái Tông Lý Thế Dân viết: “Trí giả thủ kì mưu, ngu giả thủ kì lực; dũng giả thủ kì uy, khiếp giả thủ kì thận, vô trí, ngu, dũng, khiếp, kiêm nhi dụng chi”.Tức là, nếu là người có trí tuệ thì hãy dùng mưu lược của họ, nếu là người ngu đần thì hãy dùng sức lực của họ, nếu là người dũng cảm thì hãy sử dụng uy vũ của họ, nếu là người nhát gan thì hãy sử dụng tính cẩn thận của họ, nếu là người không có những điều trên thì hãy dùng sở trường riêng của họ. Đây chính là cách dùng người tài tình của Đường Thái Tông.
Cổ nhân nói: “Vạn sự thành hay bại, mấu chốt là ở cách dùng người”. Nếu một người lãnh đạo mà không thể nhận biết được người tài thì sẽ không có khả năng sử dụng sở trường của cấp dưới. Bởi vì không sử dụng đúng sở trường của người cấp dưới nên hiệu quả công tác đạt được sẽ không cao, cuối cùng đi đến suy thoái, xuống dốc.
Trong dòng chảy dài của lịch sử, những ví dụ về bậc quân vương biết dùng người mà có được thiên hạ là rất nhiều. Chu Vũ Vương được Khương Tử Nha phò tá mà có thể lật đổ được chính sách tàn bạo của Thương Trụ Vương. Lưu Bị mời được Gia Cát Lượng phò tá mà cuối cùng có thể xưng đế Hán Trung…
Danh tướng Tả Tông Đường triều nhà Thanh nói: “Phi tri nhân bất năng thiện nhâm, phi thiện nhâm bất năng vị tri” (Tạm dịch: Không biết người thì sẽ không thể giỏi dùng người, không giỏi dùng người thì không thể xưng là biết được). Trong lịch sử, quân vương bởi vì không biết nhìn người mà mất thân, mất nước cũng không thiếu.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tề Hoàn Công dùng người sai mà bị mất thân. Khi Quản Trọng còn là phụ tá Tề Hoàn Công thì nước Tề cường thịnh. Lúc Quản Trọng lâm chung, Tề Hoàn Công tìm đến Quản Trọng để hỏi về việc tìm người thay thế ông giúp vua cai quản đất nước.
Tề Hoàn Công cho rằng trong triều hiện có ba người là Dịch Nha, Thụ Điêu, Khai Phương đều đối với mình tận tâm và trung thành. Trước kia trong lúc nói chuyện, Tề Hoàn Công biết Dịch Nha là đầu bếp lại muốn thăng tiến, mới nói đùa rằng chuyện ăn uống thì món gì ông ta cũng ăn qua, trừ thịt người, có ý đuổi khéo. Không ngờ Dịch Nha lẳng lặng giết con trai để dâng lên Tề Hoàn Công ăn. Sau Tề Hoàn Công biết chuyện Dịch Nha giết con cũng lấy làm kinh hãi, nhưng từ đó lại ấn tượng và có ý dùng Dịch Nha.
Vua Tề giao quyền chính cho Quản Trọng, ngày ngày ở trong cung mà vui cùng các cung phi. Để có thể vào nơi cung cấm gần vua, Thụ Điêu đã tự thiến mình rồi xin vào cung hầu. Khai Phương vốn là công tử nước Vệ, nhưng đã từ bỏ tước vị đến phụng dưỡng Tề Hoàn Công 15 năm liền. Mặc dù biết tin cha mất, Khai Phương cũng không rời xa Tề Hoàn Công về chịu tang cha. Vì vậy, Tề Hoàn Công rất tin tưởng ba người này.
Nhưng ngay khi Tề Hoàn Công đề xuất ba người này, Quản Trọng lại nói: “Một người mà ngay cả bản thân mình và người thân của mình đều không thương yêu thì làm sao có thể thật lòng yêu nước yêu vua được đây? Nhất định phải tránh xa ba kiểu người này.”
Sau khi Quản Trọng mất, Tề Hoàn Công vẫn một mực trọng dụng ba người này. Kết quả, ba người họ được trọng dụng nên mặc sức tác loạn, gây rối triều đình. Cuối cùng, Tề Hoàn Công ở trong cung mà chết đói.
Nhìn người và dùng người còn rất quan trọng trong việc lựa chọn minh chủ để thi triển tài năng. Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, hổ tướng Triệu Vân khi còn là thuộc hạ của Công Tôn Toản thì không có tiếng tăm gì, thậm chí rất tầm thường. Nhưng khi trở thành thuộc hạ của Lưu Bị thì như mãnh hổ rời núi. Triệu vân có dũng, có mưu, mở rộng doanh môn, một mình dọa lui mấy vạn quân Tào. Lưu Bị khen rằng: “Tử Long thật là can đảm!” Bởi vì có được chiến công hiển hách, Triệu Vân được phong là một trong “ngũ hổ thượng tướng”. Nếu như lúc ấy Triệu Vân bảo thủ không thay đổi, vẫn theo phụ tá Công Tôn Toản thì sẽ không có được sự nghiệp ấy. Đây cũng là bởi vì Triệu Vân có con mắt nhìn người.
Trương Cáp là danh tướng nước Ngụy, khi còn là thuộc hạ của Viên Thiệu thì không được trọng dụng. Trong trận chiến Quan Độ, Trương Cáp liên tục khuyên can Viên Thiệu nhưng không được Viên Thiệu tiếp thu, cuối cùng Viên quân đại bại. Nhưng sau khi Trương Cáp quy thuận Tào Tháo thì như tìm được nơi dụng võ. Trong mấy cuộc đại chiến, Trương Cáp đều thể hiện được tài năng quân sự trí dũng song toàn của mình. Bởi vậy có thể thấy, trí tuệ chân chính là ở chỗ lựa chọn. Cho dù là kẻ sĩ có khả năng nhưng nếu theo sai người thì kết quả chính là “thân bại danh liệt”.
Tư Mã Quang, thừa tướng nhà Tống nói: “Vi trì chi đạo, mạc tiên vu dụng nhân” (Tạm dịch: Đạo trị vì, trước tiên là ở dùng người). Sự hưng suy của một quốc gia, sự thành bại của một sự việc, vinh nhục của một người rốt cuộc đều được quyết định bởi việc có hay không khả năng nhìn người và dùng người chính xác. Bởi vậy, phân biệt đúng sai, phân rõ chính tà là trí tuệ không thể thiếu trong đời người. Bận làm việc mà quên suy xét, không nhận thức được thật giả thì cuối cùng sự cũng khó thành.
An Hòa