Bạch Khuê –白圭 – (307 – 300 tr. Công nguyên) – vốn tên Đan, tự là Khuê, là một thương gia nổi tiếng tại thành Lạc Dương trong thời Chiến Quốc. Ông được xem là Thủy Tổ Thương Mại hay Thương Thánh, là nhà kinh doanh sớm nhất cho ra đời lý luận về kinh tế thương mại tại Trung Hoa cổ đại.
Phố phường Trung Hoa xưa
Tương truyền Bạch Khuê là học trò của Quỷ Cốc Tử – vị thầy dạy Đạo huyền thoại. Ông được thầy cho cuốn “Kim Thư” và những lời giảng đạo lý sâu sắc. Cuộc đời Bạch Khuê chính là minh chứng cho việc một người có thể sử dụng Đạo Lý để nhận định và luôn tìm ra lời giải cho mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Khi làm quan ở nước Ngụy, Bạch Khuê nổi bật về tài năng trị thủy, chăm lo đê điều sát sao đến mức chỉ cần thấy một tổ kiến nhỏ là lập tức cho sửa sang ngay. Đây cũng là nguồn gốc của câu “thiên lý chi đê, hội vu nghĩ huyệt” (đê dài ngàn dặm có thể bị hủy bởi tổ kiến); trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi cũng nhắc “tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ” chính là xuất phát từ điển tích đó.
Vì nước Ngụy chính trị hủ bại nên Bạch Khuê rời đi, đến nước Tề, và được vua nước này muốn lưu lại nhưng ông cũng không đồng ý.
Ông nói: “Hai nước này chẳng có việc gì hoàn thành, uy tín đã đến chót; không lắng nghe lời khen chê, danh dự đã đến chót; không có nhân ái, thân tình đã đến chót; người đi đường xa chẳng có lương khô, người ở lại nhà chẳng có thực phẩm, tài lực đã đến chót; không có khả năng dùng người, lại chẳng có khả năng tự phấn đấu, công lao sự nghiệp đã đến chót. Quốc gia mà xuất hiện năm loại sự tình ấy, thì phải diệt vong.”
Bạch Khuê
Bạch Khuê đi đến nước Tần – một nước đang nổi lên mạnh mẽ – lúc này cai trị bằng Pháp gia. Nhận thấy nền cai trị này quá hà khắc, thiếu sự khoan dung nên Bạch Khuê lại rời đi.
Trải qua hành trình các nước như vậy, Bạch Khuê liền từ bỏ việc làm quan, mà chú trọng việc kinh doanh, thương mại.
Lúc bấy giờ việc kinh doanh trong xã hội đã phát triển – những chuyện đầu cơ tích trữ, cho vay nặng lãi là thường – thậm chí xã hội đã chia thương nhân ra làm loại thành thật, liêm sỉ, lương thiện và loại gian, tham, nịnh.
Trong hoàn cảnh phức tạp Bạch Khuê vẫn nhất mực gắn liền đạo đức với chuyện kiếm tiền sinh lời.
Ông muốn việc kinh doanh phải đem lại lợi ích lâu dài cho nhiều người nên nói rằng “dục trường tiền, thủ hạ cốc” – “muốn tiền dài lâu, thì mua lương thực”. Ông không theo trào lưu buôn châu ngọc để phát tài nhanh lúc bấy giờ, mà giúp người nông dân tạo dựng một thị trường nông sản lớn. Ông mua giá cao ngũ cốc loại thượng phẩm, để khuyến khích người dân chú trọng đến chất lượng giống và công chăm sóc.
Ông lại nói “nhân khí ngã thủ, nhân thủ ngã dữ” – nghĩa là cái gì người coi thường thì ta tích trữ, người mà cũng biết tích trữ thì ta với người cùng làm.
Ông thường xuyên đi đến các chợ và xem xét hoàn cảnh người dân, nên mọi thứ nắm rõ như lòng bàn tay. Ông chủ trương kinh tế vận hành tuần hoàn, bình ổn. Thứ nào được mùa, sản lượng nhiều thì ông mua tích trữ để đến lúc mất mùa, thiếu hụt thì đem ra bán lại đúng giá cho mọi người. Bởi vì học Đạo, có trí huệ thâm sâu, minh tường thiên văn, dự trù được thiên tai nên ông luôn có sự chuẩn bị trước.
Mặc dù là người kinh doanh vô cùng thành công, giàu có nhưng sinh hoạt của Bạch Khuê thì rất đạm bạc, thanh bạch – đúng với tác phong một người quân tử. Ấy phải chăng cũng là nói rằng càng xả bỏ dục vọng thì con người ta càng sáng suốt, lý trí để thành công và càng gần với Đạo?
Tại xã hội hiện đại, những người không có nguyên tắc đạo đức ở khắp mọi nơi. Có một câu nói “Kinh doanh là kinh doanh”, câu nói này sai ở điểm nào? Chúng ta thử lấy một ví dụ để so sánh. Có những người nói: “Tôi chẳng cần kiêng khem rượu bia thuốc lá, chẳng thể dục thể thao gì mà vẫn sống đến 70 rồi”. Nhưng giả sử người đó kiêng khem các chất có hại, chăm chỉ thể dục thể thao, biết đâu lại thọ đến 90? Thực tế cuộc sống cho thấy, phần lớn những ai sống vô độ, lười biếng thì tuổi thọ sẽ sụt giảm. Có những người nói “Nhà kia, người kia vô đạo đức mà vẫn giàu”, sao chẳng nghĩ ngược lại, nếu nhà đó, người đó còn có đạo đức nữa, thì hẳn còn giàu hơn. Không thiếu những bậc cự phú đến cuối đời mới chợt lo lắng mong giải bài toán tích chút phúc, để chút đức cho con cái, hoặc giả lưu tiếng thơm.
Trong thực tế, những thương nhân coi trọng giá trị công lý và chính nghĩa có vẻ bị bất lợi khi so sánh với những người chỉ biết lợi lộc và làm giàu. Tuy nhiên, chính nghĩa và lợi có quan hệ tương quan căn bản; có một khoảng cách về thời gian – không gian giữa hai điều này. Một người phải nên tích đức trước và lợi sẽ đến sau. Đạo đức vô hình, lợi ích hữu hình. Người thường không nhìn thấy đức và vì thế không tin tưởng vào điều này. Chỉ có những người giác ngộ mới thấy được pháp lý cao tầng về nhân – quả. “Nhà nào tích thiện – đức thì con cháu hưởng tương lai tốt đẹp; nhà nào không tích thiện – đức sẽ để lại tai ương”. Những ai hành thiện và theo đúng những nguyên tắc công lý và chính nghĩa là đang tạo nền móng vững chắc cho tương lai tốt đẹp cho chính họ. Những ai làm giàu bằng những hành động tà ác là đang đào một đường hầm đổ nát.
Những công ty chân chính phải tạo phúc cho nhân loại để theo đuổi những lợi ích dài lâu cho chính họ và nhân viên của họ, xin hãy nhớ nguyên tắc tạo lợi nhuận – đó là công lý và chính nghĩa.
Lê Quang