Không phải IQ, chỉ số cảm xúc EQ mới là thứ quyết định sự thành công của bạn trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Trí tuệ cảm xúc hay còn gọi là chỉ số cảm xúc (EQ) là khái niệm tương ứng với chỉ số trí tuệ và chỉ số thông minh (IQ), biểu thị khả năng nhận biết, kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc, tình cảm, ý chí của một người. Nói một cách đơn giản, trí tuệ cảm xúc là khả năng toàn diện để quản lý và kiểm soát cảm xúc, động lực bản thân và các mối quan hệ giữa các cá nhân.
Trước đây, người ta cho rằng một người có thể thành công trong cuộc sống hay không phụ thuộc vào mức độ thông minh, nói cách khác, chỉ số IQ càng cao thì khả năng thành công càng lớn. Tuy nhiên, thông qua phân tích và nghiên cứu dựa trên những người thành công thuộc mọi tầng lớp xã hội trên thế giới, các nhà tâm lý học tin rằng EQ cao đóng vai trò quan trọng hơn cả IQ trong việc đạt được thành công của con người.
Những người có trí tuệ cảm xúc thấp có khả năng xử lý và điều phối mối quan hệ giữa các cá nhân kém. Điều này khiến họ thường bị cô lập, khó hòa hợp với người khác.
8 biểu hiện điển hình của EQ thấp
Tại nơi làm việc, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng những người có năng lực và chuyên môn rất tốt nhưng tính cách quá thẳng thắn, sẵn sàng bộc lộ mọi cảm xúc, không ngại lên tiếng khi phát hiện sai phạm, thiên vị… hiếm khi được thăng chức.
Lý do là gì? Lý do là bởi vì những người làm quản lý cần có khả năng điều phối quan hệ giữa các cá nhân rất mạnh, nhưng những người này lại không giỏi che giấu cảm xúc cũng như sở thích, sở ghét của cá nhân. Họ thiếu sức ảnh hưởng và sự hấp dẫn, khó kết nối mọi người với nhau nên không thích hợp làm lãnh đạo .
Dưới đây là 8 biểu hiện điển hình của những người có EQ thấp
- Kiềm chế cảm xúc kém
Những người có EQ thấp thường gặp phải tình trạng cảm xúc không ổn định, không biết che đậy cảm xúc và bộc lộ chúng ra ngoài một cách bừa bãi. Chỉ cần bạn trái ý với họ là họ sẽ nổi cơn tam bành, nhưng nếu bạn khen họ thì họ lại cười tít mắt như trẻ con.
- Làm mọi việc tùy tiện
Nguời EQ thấp đối nhân xử thế hoàn toàn dựa trên sở thích và sở ghét của cá nhân, làm việc gì cũng chỉ đi theo cảm xúc mà không biết dùng cái đầu để suy xét trước sau.
- Thích dạy đời người khác
Người EQ thấp thường tự tin thái quá vào bản thân và luôn cho rằng mọi thứ mình làm, mình nghĩ là đúng. Bởi vậy nên họ hay lên mặt dạy đời, thuyết giáo người khác.
- Quen thói đối nghịch với người khác
Bất kể người khác nói gì, người EQ thấp đều thích phản đối lại và khăng khăng cho rằng ý kiến của mình mới là tốt nhất. Trong nhiều cuộc tranh luận, họ sẽ là người dành được phần thắng. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ đã làm mất cảm tình trong mắt người khác.
- Phù phiếm và ham hư vinh
Nếu bạn gặp một đồng nghiệp cả ngày chỉ thích khoe khoang, luôn tự đề cao mình bằng cách hạ thấp người khác, không cần nghi ngờ thêm đâu, đồng nghiệp đó của bạn chính là một người EQ thấp điển hình.
- Không biết giữ bí mật
Người EQ thấp khó giấu được mọi chuyện trong lòng, không biết kiểm soát mồm miệng, chuyện gì cũng sẵn sàng “bô bô” tiết lộ cho người khác.
- Thích phàn nàn
Chỉ cần gặp chuyện không vừa ý, người EQ thấp sẽ lập tức than thở, phàn nàn và đổ lỗi cho người khác.
- Tin vào những điều hời hợt
Có một biểu hiện khác mà những người EQ thấp thường mắc, đó chính là dễ tin vào lời người khác hoặc bất kì những gì người đó thấy mà không bao giờ biết phân tích trước sau và phân biệt thật giả đúng sai.
Theo Thiên An-Theo ttvn.toquoc