Kỳ trước, trong bài: “Vận mệnh nhà lãnh đạo TQ Tập cận Bình theo tướng pháp Ngô Hùng Diễn”, chúng ta đã thấy được một góc nhìn thú vị về tướng pháp. Vậy, cụ Ngô Hùng Diễn là ai?
Cụ Ngô Hùng Diễn sinh năm Ất Tỵ 1905 tại một làng quê thuộc tỉnh Quảng Yên, là thứ nam trong một gia đình theo truyền thống Nho học. Người anh Cả là cụ Ngô Văn Thuật, bút hiệu Văn Thuật, là nhà báo kiêm kịch tác gia, một trong số những người viết kịch, diễn kịch đầu tiên cùng thời với Vi Huyền Đắc và Thế Lữ. Cụ Văn Thuật cũng là người đem bộ môn Chèo Cổ từ miền Bắc phổ biến tại miền Nam khi có phong trào di cư năm 1954.
Trước khi trở thành nhà tướng học, cụ Diễn làm việc cho Ngân Hàng Đông Dương chi nhánh Hải Phòng, lúc đó cụ chưa tới 20 tuổi. Do cơ duyên mà cụ gặp và học hỏi được nhiều môn huyền bí do chính thầy Tàu (toàn là những bậc chân sư) truyền thụ. Nhưng sở đắc của cụ là các môn tướng mệnh học, phong thủy và hoán đổi phương vị sao để cứu người (còn gọi là “hành sao”). Môn thứ ba (hành sao) trong đời cụ chỉ thực hiện vài lần, trong đó có lần cứu đứa cháu trai (con của người anh ruột). Đứa cháu yểu tướng, èo uột có số chết non. Nhờ cụ áp dụng môn chuyển hoán phương vị sao nên tới nay vẫn còn sống và khỏe mạnh.
Quan niệm về tướng số của cụ rất rõ rệt : “Xem tướng xem số là để làm điều lành, tránh điều dữ”. Cụ rất phiền hà khi có người muốn nhờ cụ đem phú quý vinh hoa tới cho mình, kiểu “muốn dỡ nhà người khác đem về làm chuồng heo !”. Theo cụ thì nghề thầy số là nghề …tổn âm đức, vì trong mọi tình huống khi đã xem cho ai, hướng dẫn người xem làm này tránh kia đều là “tiết lộ thiên cơ”. Có lẽ vì vậy nên cả đời cụ chẳng bao giờ dư dã, chỉ đủ ăn đủ mặc và không có con trai nối dõi (chỉ sinh duy nhất có một bà con gái, hiện vẫn còn ở Việt Nam).
Vì quan niệm trên (tổn âm đức) nên cụ không có học trò theo đúng nghĩa. Nếu có ai đó đăng báo vỗ ngực tự xưng mình là đệ tử đích truyền của cụ, thì có nghĩa là người đó đang … nói phét ! Tuy không nhận bất cứ ai là đệ tử nhưng vẫn có một số người theo cụ để học hỏi, và được cụ chỉ dẫn cho một số điều căn bản, với ý hướng chọn bạn tốt, làm điều lành. Những người được cụ chỉ dẫn đều có cách tướng nhân hậu, không tham lam, không dùng môn học do cụ chỉ dẫn làm phương tiện mưu sinh. Một số người hiện định cư tại Hoa Kỳ, như các ông Sáng (cựu đại tá, San Diego), Thụy (giáo sư Santa Clara), Lộc (giáo sư, Garden Grove), Thành (cựu đại tá, Fairfax), Quyến (giáo sư, Falls Church) … đều có nghề nghiệp khác để sinh sống. Tuyệt đối không ai mở văn phòng xem bói hoặc đăng quảng cáo đại ngôn.
Cụ được hầu hết các nhân vật chính trị lẫn quân sự thời đó mời tới hỏi ý kiến. Cụ nói tướng cách ông Nguyễn Văn Thiệu tai bạt hậu nên không chịu nghe ai, hạ đình bị phá cách nên hậu vận hư hết. Trong thời kỳ NVT làm Tổng Thống, cụ thường được mời vào dinh Độc Lập dùng cơm và nói chuyện thời thế, cụ chỉ yên lặng và nghe nhiều hơn là nói. Lần NVT độc cử, cụ có tìm cách khuyên khéo, nhưng NVT là người chỉ thích làm theo ý mình . Về bà vợ thì cụ khen là người nhã nhặn, có giáo dục và vượng phu ích tử.
Cụ thường trốn khách, nhất là những vị khách cầu danh cầu lợi. Cụ hay coi chiếu bóng, không giải trí mà để tìm xem những nét tướng không thấy ở ngoài đời. Có phim cụ xem tới 5-6 lần, ngồi liên tục trong rạp chiếu “thường trực” từ sáng đến tối mịt mới về nhà. Trong túi cụ ít khi có tiền. Có tiền cụ mua vé xem chiếu bóng hoặc cho trẻ con mua quà bánh. Tướng cụ cao lớn, dáng đi lắc lư, hai tay ve vẩy, là một trong các cách tướng rất xấu: cách tướng của người hành khất. Nhưng nhờ có những nét tướng khác bù đắp nên cuộc đời cụ tuy không giàu sang, nhưng lúc nào cũng phong lưu. Cụ không có con trai, nhưng khi qua đời cũng vẫn có người chống gậy, là đứa cháu trai gọi bằng chú được cụ “hành sao” cứu mạng năm xưa. Ngoài ra cụ còn có vô số người nhận làm cha nuôi. Đám tang cụ vào tháng 3 âm lịch năm Giáp Dần 1974 khăn trắng chít dài hàng mấy cây số, được coi là một trong số những đám tang lớn nhất trong lịch sử Hòn Ngọc Viễn Đông. Thành phần tham dự ngoài thân nhân họ hàng không quá 50 người, còn lại đều là bè bạn và những người đã từng chịu ơn cụ.
Cụ nói xem tướng không khó, sửa tướng mới khó. Đối với môn địa lý cũng vậy. Có những ngôi nhà người tới ở thường bị đau yếu, nhờ cụ giúp đỡ, cụ chỉ cần thay đổi giường nằm, bàn thờ, hoặc có khi là vị trí cầu tiêu thì tự nhiên đời sống phấn chấn hanh thông hẳn lên.
Hồi sinh thời, cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt, mời cụ xem vị thế chùa Xá Lợi. Cụ nói Chùa cần xây cổng về hướng con đường nhỏ, bên cạnh, nếu không sẽ có đổ máu. Cụ MTT và ban quản trị đều không tin. Khi có vụ Phật giáo tranh đấu đưa tới cuộc cách mạng 1/11/1963, Chùa Xá Lợi trở thành bãi chiến trường người ta mới tin lời cụ. Sau này Chùa được sửa sang lại, làm thêm chiếc cổng bên hông. Cổng chính chỉ mở vào dịp lễ lớn ở mặt đường bà Huyện Thanh Quan, còn hàng ngày ra vào đều dùng cổng bên hông.
Sau cách mạng 1/11/1963 các vị tăng ni muốn tìm một vùng đất rộng để xây dựng một Trung Tâm Phật Giáo. Thượng Tọa Thích Tâm Giác mời cụ đến hỏi ý kiến. Cụ, sau nhiều ngày đi trực thăng xem đất, chỉ vào một khu thuộc Thị Nghè. Lúc đó xa lộ Biên Hòa chưa làm xong, cầu bê-tông nối từ Văn Thánh sang phía ấp Thảo Điền và xã An Khánh Thủ Đức chưa có… Lúc đó, Phật giáo không biết nghe ai bàn, quyết tâm xin bằng được miếng đất ở số 16 đường Trần Quốc Toản. Cụ lại được mời tới coi. Cụ hoàn toàn không đồng ý, vì lẽ khu đất này “hăng tê”, vua chúa Triều Nguyễn khi xưa đã dùng nơi đây làm pháp trường. Thượng Tọa Tâm Giác một mực khăng khăng nói “Phật tới đâu, lành tới đó”. Khi ngôi Chùa Việt Nam Quốc Tự dựng xong với gỗ và tôn … thì nội bộ Phật giáo bắt đầu lủng củng rắc rối. Thật ra thì sự lủng củng này đã có từ trước, nhưng vào thời gian đó mới vỡ tung ra. Cụ thường nói nơi thờ cúng cần chỗ đất tốt, vì quy tụ nhiều người lễ bái. Thế đất 16 đường Trần Quốc Toản có một con lạch như mũi dao đâm sâu vào trong, nhất là tam quan Chùa VNQT làm bằng gỗ và tôn có dáng dấp như cổng nghĩa trang thì dữ nhiều lành ít. Sau này TT Tâm Giác dù có quyết tâm xây ngôi bảo tháp nhưng vẫn không thể hoàn thành. Thời gian trước khi cụ Diễn qua đời, TT Tâm Giác tỏ ý hối tiếc về chuyện đã qua và ngỏ lời xin lỗi. Về miếng đất cụ Diễn “cắm” cho nhà Chùa, sau này trở thành khu Tân Cảng rộng lớn với sông nước hữu tình … thì ai nấy đều tiếc hùi hụi.
Năm 1945, Việt Minh nắm chính quyền, vua Bảo Đại thoái vị trở thành công dân Vĩnh Thụy, cụ tiên đoán thời của vua Bảo Đại hãy còn. Một hôm trong hàng chả cá Lã Vọng ở Hà Nội gặp vua Bảo Đại, cụ cúi mình chào “Hoàng Thượng”. Vua Bảo Đại rối rít đỡ cụ và nói ông không còn làm vua nữa, nhưng cụ một mực gọi “Hoàng Thượng” và mách cho vài điều về mệnh vận trong vài năm sắp tới … Quả nhiên sau đó vài năm (1949), vua Bảo Đại thành vị Quốc Trưởng của chế độ Quốc Gia đầu tiên đương đầu với chủ thuyết CS.
Gần dinh Độc Lập có một biệt thự của Pháp để lại, biệt thự khá lớn, nhưng không ai có thể ở lâu được, vì trước sau người ở cũng gặp chuyện bất hạnh. Cụ có tới coi và nói “Nhà này chỉ có tướng tinh như Đức Thánh Trần Hưng Đạo mới ở được mà thôi”. Sau 1/11/1963, tướng Dương Văn Minh mời cụ lại và cười tự đắc hỏi “Bây giờ cụ thấy sao ? Tôi ở được chứ ?”. Không muốn đẩy đưa với tướng Minh, cụ đáp cho xong chuyện “Bây giờ ngài đã là Quốc Trưởng rồi mà !”. Câu nói bỏ lửng ở đấy. Nhưng về nhà cụ nói với con cháu “Chết đến nơi rồi mà vẫn còn tự đắc !”. Quả nhiên sau đó không lâu có cuộc chỉnh lý và tướng Minh bị hạ bệ. Sau này biệt thự thuộc chủ quyền một nhà tỷ phú VN. Biết thân biết phận nhà tỷ phú này xin ý kiến cụ. Cụ bảo “Có thể ở, nhưng không được ở phòng khách và toàn bộ ngôi nhà trên … Nơi đây chỉ có thể tiếp khách, làm văn phòng, còn ăn ngủ thì xuống nhà dành cho …. bồi bếp !” Nhà tỷ phú nghe lời cho sửa lại khu nhà phụ cận để ở và không gặp chuyện rủi ro nào.
Về sinh hoạt thế giới, khi đề cập tới nước Anh, cụ nói Thái Tử Charles, con của Nữ hoàng Elizabeth II, không có tướng làm Vua. Ngôi vua nước Anh rồi đây sẽ trở lại dòng vị cựu hoàng thoái vị. Cách đây trên nữa thế kỷ, vị cựu hoàng này đã từ bỏ ngai vàng cưới một phụ nữ Mỹ ly dị chồng, nhường ngôi cho người em, tức Vua George VI, thân phụ của nữ hoàng hiện nay. Tuy sự việc chưa xảy ra, nhưng dù sao cũng là một đề tài chiêm nghiệm. Một bài toán chưa có đáp số.
Cụ Ngô Hùng Diễn mất ngày 13 tháng 3 năm Giáp Dần (1974) tại Quân Y Viện Cộng Hòa, an táng tại nghĩa trang Phước Hòa, Gò Vấp Gia Định.
PV (t/h)