Kiểu người luôn coi mình là nạn nhân sẽ khiến bạn tiêu tốn năng lượng và sự đồng cảm không cần thiết.
Những hành vi độc hại ở những người xung quanh có thể tác động không tốt lên chính bạn.
Bạn càng nỗ lực để trưởng thành về mặt cảm xúc, bạn sẽ càng nhận ra các hành vi độc hại của những người quanh mình.
Dưới đây là 7 loại người với các hành vi độc hại tương ứng. Và quan trọng hơn cả, hãy sẵn sàng từ bỏ và cắt đứt quan hệ với họ mà không cần phải hối hận
- Người không muốn nhận trách nhiệm
Đây là kiểu người không muốn lớn lên. Họ trốn tránh trách nhiệm như trốn bệnh dịch hạch. Họ thường không có một cuộc sống tốt. Có thể họ thất nghiệp, nghiện ngập, chơi bời với những người xấu, hoặc lãng phí thời gian làm những việc vô bổ.
Và họ cũng không muốn thoát khỏi đó. Họ muốn ở nguyên vị trí, tận hưởng niềm vui rẻ tiền và trốn tránh trách nhiệm càng nhiều càng tốt.
Chẳng hạn như một người 32 tuổi có tâm lý, lối sống và trách nhiệm như một người 21 tuổi. Cuộc sống của họ vẫn vậy nếu không muốn nói là trở nên tồi tệ hơn.
Nếu kết giao với họ đủ lâu, họ sẽ kéo bạn xuống, giữ không cho bạn cải thiện cuộc sống của mình. Và với những người như thế, phải dứt khoát từ bỏ.
- Người thao túng tâm lí
Một số người thường hay nhầm lẫn năng lực với sự tự tin. Đó là một lỗi lầm thường gặp, nhất là ở người trẻ.
Nhưng những người thao túng tâm lí biết cách khai thác lỗi lầm đó. Cũng giống như những nhà ảo thuật, họ biết cách tạo ra ảo ảnh. Họ sử dụng ngôn từ, giọng nói, nét mặt, ngôn ngữ cơ thể và cái tôi lớn của mình để thể hiện năng lực. Họ nói hay đến nỗi họ thuyết phục bạn và những người khác về bất cứ vấn đề gì.
Họ giỏi ăn nói, nhưng bên trong thì rỗng tuếch.
Lời nói của họ thường mang lại những gì họ muốn. Họ đổ sai lầm lên đầu bạn. Nhưng một khi bị lộ, họ sẽ phủ nhận mọi thứ và chuyển sang tìm những nạn nhân khác – những người sẽ lại tin họ. Và bởi vì họ kém cỏi và có những tính cách xấu xa, điều duy nhất họ có thể dựa vào chỉ là lời nói, sự tự phụ và thứ năng lực giả tạo.
- Kẻ đạo đức giả
Trong xã hội, chúng ta đánh giá cao sự trung thực, tin cậy và nhất quán. Những đức tính này đảm bảo sự an toàn, thịnh vượng và thăng tiến của chúng ta. Và chúng ta trừng phạt (hoặc tránh xa) những người không thể tin tưởng và những người không nhất quán với chính mình.
Một người bạn hai mặt đạo đức giả là người vi phạm mọi thứ về lòng tin. Đó là kẻ thù nhưng cố ý cải trang thành bạn bè.
Một số người giả tạo đến mức họ sẵn sàng thay đổi bản thân tùy thuộc vào người mà họ đang tương tác để đạt được mục đích, hoặc làm tổn thương người khác.
Họ nói xấu, bàn tán và thậm chí lan truyền những điều tiêu cực về bạn. Và họ cũng thường nói xấu người khác, ngồi lê đôi mách về họ.
Nếu ai đó nói xấu người khác trước mặt bạn, rất có thể họ cũng sẽ nói xấu bạn với người khác khi bạn không có mặt.
Những người đó không có ý gì tốt đẹp dành cho bạn. Hãy tránh xa họ.
- Nhà triết học bi quan
Đây là người che đậy sự tiêu cực, bi quan và thất bại của họ theo cách khôn ngoan.
Họ cũng là kiểu người không muốn nhận trách nhiệm, nhưng có trí thức. Tuy nhiên, trí thức của họ đen tối, thiên lệch, và được sử dụng như một sự biện minh.
Tôi có một người bạn đã từng cố gắng chứng minh tại sao thà thất nghiệp còn hơn làm một công việc chỉ vừa đủ sống. Anh ta cũng cố gắng chứng minh việc chuyển đến một quốc gia khác và làm việc để có mức lương cao hơn, trong một môi trường tốt hơn lạ là một việc làm tốn kém, uổng công. Nhưng khi bạn nhìn vào cuộc đời anh ta, bạn sẽ chỉ thấy một kẻ sa sút.
Kiểu người này sẽ luôn cố gắng thuyết phục rằng họ đúng. Họ sẽ cố gắng thuyết phục bạn tin vào niềm tin của họ. Họ muốn biện minh cho sự khốn khổ của mình và lôi kéo người khác theo họ.
- Nhà triết học biết tuốt
Kiểu người này hơi khác so với loại trước, mặc dù cũng có một số điểm tương đồng.
Kiểu người này có vẻ như biết tất cả mọi thứ. Họ chắc chắn rằng họ biết mọi thứ. Và họ cũng tin rằng họ không bao giờ có thể sai. Họ có cái tôi quá lớn để nhận ra những hạn chế trong kiến thức của mình.
Khi ai đó càng tuyên bố rằng họ biết mọi thứ, thì họ càng biết ít hơn. Trên thực tế, những gì họ thực sự biết chỉ là hạt cát trong sa mạc.
Chúng ta không nên ở cạnh một người như vậy. Họ sẽ làm tổn thương chính họ và cả chúng ta.
- Người cực kì cao ngạo
Đây cũng là phiên bản nâng cấp của loại người số 5.
Kiểu người này không chỉ tự cao tự đại về kiến thức, mà cả về ngoại hình, thành công, tiền bạc, danh vọng, lối sống và sự tồn tại của họ.
Họ thực sự không nhìn thấy ai ngoài chính mình. Và ý thức về quyền lợi của họ rất đáng kinh ngạc. Họ tôn thờ một vị thần giả, đó là chính họ; do đó, họ bị hoang tưởng và lầm lạc.
Ngay khi nhận ra kiểu người kiêu ngạo này, hãy tránh xa họ. Sự kiêu ngạo sớm muộn cũng phản tác dụng. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi người này sa lầy.
- Người luôn coi mình là nạn nhân
Một số người luôn coi mình là nạn nhân. Họ nghĩ rằng luôn luôn có một kẻ săn mồi ngoài kia đang săn đuổi họ. Họ luôn đau khổ, khó khăn và gặp phải những hoàn cảnh bất hạnh, bất công.
Chúng ta cũng không biết phải làm gì với họ. Một phần trong chúng ta đồng cảm với họ và cảm nhận được nỗi đau mà họ có thể phải trải qua. Nhưng một phần khác cũng biết rằng không nên gắn bó với kiểu người này.
Đó là bởi vì cái họ cần không phải là sự bảo vệ hay một bờ vai nương tựa. Họ cần phải đứng dậy và chịu trách nhiệm về mình. Hành động nghiêm túc, không nửa vời, là điều họ nên làm.
Nhưng họ luôn đau khổ. Họ không làm hết sức mình và họ thích (hoặc thậm chí là nghiện) sự đồng cảm từ người khác.
Và tất cả những thứ đó chỉ khiến bạn tiêu tốn năng lượng không cần thiết.
Lưu Ly–Thể thao & văn hoá