Bài viết là chia sẻ của J.T. O’Donnell – nhà sáng lập và CEO của Work It Daily, một nền tảng trực tuyến chuyên hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đền nghề nghiệp. Bà có hơn 15 năm kinh nghiệm tuyển dụng và đào tạo nhân sự.
Mọi điều và từng điều nhỏ nhất mà bạn nói (đúng rồi đấy, dù chỉ là một câu) trong buổi phỏng vấn đều có thể định hình quan điểm của nhà tuyển dụng rằng liệu bạn có phù hợp với công việc hay không.
Đôi khi những câu trả lời mà bạn nghĩ là phù hợp tại thời điểm phỏng vấn thực ra lại khá yếu kém sau khi cân nhắc kỹ. Và chính điều này có thể sẽ khiến bạn có vẻ như yếu kém và tầm thường theo. Đó là lý do tại sao bạn luôn cần cân nhắc những điều không nên nói.
Đây là 6 câu nói mà bạn cần tránh nếu muốn tăng cơ hội nhận được việc làm, cùng với đó là các mẹo và ví dụ về những điều nên nói:
- “Tôi không phải là người chủ động, năng động”
Tôi đã từng nghe nhiều ứng viên sử dụng câu trả lời trên khi được hỏi về thế mạnh chuyên môn hay đặc điểm đáng chú ý của họ.
Đây là một câu trả lời được sử dụng quá thường xuyên và nếu bạn dùng nó, trường hợp tốt nhất mà bạn nhận về đó là người phỏng vấn yêu cầu bạn giải thích thêm. Trường hợp tệ nhất? Bạn sẽ không gây được ấn tượng vì nhà tuyển dụng đã nghe câu trả lời này rất nhiều lần và bỏ qua bạn.
Một câu trả lời phù hợp hơn có thể là: “Tôi không ngại lãnh đạo các dự án và tôi có thể làm điều này dù không có nhiều hướng dẫn”, sau đó cho thêm ví dụ về một lần thực hiện dự án thành công của bạn.
- “Tôi hy vọng có thể đứng ở vị trí của anh trong 5 năm tới”
Đừng nghĩ rằng vị sếp tiềm năng của bạn sẽ cảm thấy hài lòng với câu trả lời này; họ sẽ chỉ cho rằng đây là một câu trả lời lười biếng và thiếu suy nghĩ.
Ngay cả khi nhà tuyển dụng cảm thấy ấn tượng với sự nghiệp của bạn, họ sẽ cảm thấy bạn đang ghen tỵ với vị trí hiện có của họ – chỉ là ở công ty khác mà thôi. Điều này cho thấy sự thiếu cam kết.
Thay vào đó, hãy vạch ra những tiềm năng mà bạn cảm thấy mình có thể phát triển được ở tổ chức. Bắt đầu với vị trí mà bạn đang ứng tuyển và nêu bật một số kỹ năng cần thiết cho công việc và cách bạn phát triển dựa trên những kỹ năng đó.
Điều này không chỉ cho thấy bạn quan tâm đến sự thăng tiến trong sự nghiệp mà còn tận tâm giúp công ty phát triển trong dài hạn.
- “Tôi không thích sếp cũ của mình”
Đừng bao giờ nói xấu sếp cũ, bất kể bạn có trải nghiệm tồi tệ ra sao.
Khi được hỏi về lý do rời bỏ công việc cũ, bạn có thể thừa nhận rằng nó không phù hợp đối với bạn. Trung thực là một đặc điểm có giá trị, nhưng hãy cẩn thận với cách bạn diễn đạt mọi thứ.
Thay vì trả lời như trên, bạn có thể nói rằng bạn nhận ra đam mê của mình và muốn chuyển hướng sự nghiệp. Hoặc có thể bạn đang tìm kiếm thứ gì đó thách thức hơn. Bạn cũng nên đề cập đến một số điều đã học được từ công việc trước đây, những điều có thể giúp bạn thành công tại vị trí đang ứng tuyển.
Nếu bị sa thải, hãy giải thích tình huống mà không nhận hoặc quy trách nhiệm cho ai đó. Hãy nói về những điều bạn có thể làm khác đi để thay đổi kết quả trên. Điều này thể hiện sự tự nhận thức và khả năng phát triển từ những trải nghiệm tiêu cực.
- “Điểm yếu duy nhất của tôi là tôi là người cầu toàn”
Không ai là hoàn hảo cả, vậy nên câu trả lời trên đồng nghĩa với việc bạn quá yếu đuối để thừa nhận bất kỳ điểm yếu nào của mình.
Đây là một câu hỏi hành vi mà các nhà quản lý rất coi trọng, vì vậy hãy chuẩn bị một câu trả lời chuyên sâu. Tôi luôn khuyến khích tìm đến sếp cũ và đồng nghiệp mà bạn tin tưởng để có những phản hồi chân thật.
Gửi cho họ danh sách những kỹ năng hàng đầu cần thiết cho công việc mới và yêu cầu họ xếp hạng chúng theo điều mà họ nghĩ là điểm mạnh nhất đến yếu nhất của bạn.
Cuối cùng, hãy trung thực về những điều mà bạn cần phải cải thiện, đưa ra một vài ví dụ và thảo luận về cách mà bạn có thể lên kế hoạch khắc phục những yếu điểm đó.
- “Liệu anh/chị có thể cho tôi biết thêm về công ty?”
Có thể bạn sẽ không tin nhưng tôi từng thấy ngay cả những ứng viên tiềm năng nhất đặt ra câu hỏi này theo nhiều cách khác nhau (Ví dụ: “Mục tiêu chính của công ty bạn là gì? Hoặc “Công ty bạn làm gì?”)
Nhà tuyển dụng sẽ dành thời gian đọc sơ yếu lý lịch của bạn và tìm hiểu thêm về nó, chính vì vậy bạn cũng nên làm điều tương tự và dành thời gian nghiên cứu công ty.
Bạn có thể yêu cầu họ trả lời những câu hỏi rất cụ thể (Ví dụ: Mục tiêu hàng tháng của nhóm bạn là gì?”), nhưng việc đến phỏng vấn với rất ít thông tin về công ty là một điều xúc phạm và sẽ tạo ấn tượng ban đầu xấu.
- “Đâu là các đặc quyền và lợi ích của công ty?”
Đúng, việc nhận bất kỳ công việc nào mà không biết lợi ích của nhân viên ra sao thật là không khôn ngoan. Nhưng bạn đừng bao giờ đề đạt chuyện này quá sớm trong quá trình phỏng vấn, vì nó sẽ khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ ý định thực sự của bạn.
Hãy nhớ rằng, những vòng phỏng vấn đầu sẽ quyết định liệu bạn có phù hợp để tiếp tục ứng cử vào vị trí này hay không. Vì vậy, các chủ đề liên quan đến đặc quyền và lợi ích sẽ không còn quan trọng nếu bạn không thể vượt qua các vòng phỏng vấn sớm trên.
Hoàng Hà–Theo NDH