Sự lụi tàn tài năng của chàng trai này khiến ai cũng tiếc nuối
11 tuổi vang danh cả nước, kiếm được hàng trăm triệu đồng
Hà Thế Long (2000) sinh ra trong gia đình bình thường ở tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc). Dưới sự hướng dẫn của người cha làm công nhân nhưng có niềm đam mê mãnh liệt với thư pháp, năm 3 tuổi, Hà Thế Long đã có thể cầm bút viết những nét ký tự đầu tiên. Chẳng bao lâu sau, dù chưa đi học qua trường lớp đào tạo chính chuyên nhưng cậu nhóc đã thể hiện tài năng và sự hứng thú đặc biệt với thư pháp.
Lên 4 tuổi, Hà Thế Long có thể dành cả ngày ngồi trong nhà viết và vẽ tranh truyền thống của Trung Quốc. Nhận thấy tiềm năng phi thường của con, trong khi môi trường giáo dục ở tỉnh Liêu Ninh không còn đáp ứng được, gia đình Hà Thế Long không ngại chuyển lên thủ đô Bắc Kinh để mang đến cho con trai những nguồn lực giáo dục tốt nhất.
Sau khi đến Bắc Kinh, cha cậu đăng ký cho con thi kiểm tra trình độ thư pháp. Trong kỳ thi này, Thế Long mới 7 tuổi nhưng đã đạt được chứng chỉ cấp 5 của Trung tâm Kiểm tra Nghệ thuật Trung Quốc. Thành tích này đã thu hút sự chú ý của Hiệp hội Thư pháp Bắc Kinh (Trung Quốc). Bởi lẽ thông thường muốn đạt cấp độ này, phải là người trưởng thành hoặc những nhà thư pháp chuyên nghiệp.
Năm 2008, Thế Long tham gia biểu diễn thư pháp tại Trung tâm Hội nghị Đại hội Nhân dân Quốc gia Bắc Kinh (Trung Quốc). Tại đây, không chỉ có các đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, còn có các nhà sư.
Trong số đông đảo người tham dự, cậu nhóc Thế Long 8 tuổi là người nhỏ nhất nhưng đã thể hiện được màn trình diễn thư pháp bằng 2 tay và nhận được sự tán thưởng từ người lớn. Cũng từ đó, tài năng thiên bẩm của Thế Long vang xa.
Cậu được giới chuyên môn gọi những cái tên mỹ miều như “thần đồng thư pháp”, “thiên tài chữ rồng bay phượng múa”. Thậm chí, nhận thấy tài năng thư pháp của Thế Long, Hiệp hội Sách Trung Quốc còn kết nạp cậu trở thành thành viên nhỏ tuổi nhất.
Năm 2011, một khách sạn ở Trung Quốc tổ chức buổi hòa nhạc từ thiện quy tụ các doanh nhân nổi tiếng. Trong khuôn khổ buổi hòa nhạc, một tác phẩm thư pháp của cậu đã được đem ra đấu giá cùng với 10 tác phẩm của bậc thầy thư pháp nổi tiếng Khải Công.
Đáng nói, tác phẩm của ông Công chỉ bán được cao nhất với mức giá 80.000 NDT (khoảng 280 triệu đồng), trong khi đó, bức thư pháp của Thế Long được bán ra với giá 110.000 NDT (khoảng 385 triệu đồng). Điều này không thể hiện được trình độ thư pháp của Thế Long vượt qua ông Khải Công, song đã cho thấy giới chuyên môn và người tham gia đánh giá rất cao về tiềm năng tương lai của Thế Long.
Kể từ buổi đấu giá này, cuộc đời của cậu rẽ sang chương mới. Năm 11 tuổi, nếu như bạn bè đồng trang lứa vẫn còn mải ăn học, tính toán trưa nay ăn gì thì Thế Long đã tham gia các hoạt động biểu diễn với lịch trình dày đặc, đi kèm với số tiền kiếm được lên đến hàng trăm triệu đồng. Thậm chí, không ít người hâm mộ đã kéo đến nhà Thế Long xin chữ để cầu may.
Ở thời điểm bấy giờ, tài năng và độ nổi tiếng có thể là bước đệm cho Thế Long đi xa. Tuy nhiên, chính lòng tham của cha mẹ đã khiến cuộc đời cậu chệnh hướng.
Sau khi nhận thấy khả năng kiếm tiền của Thế Long, bố mẹ đã biến cậu thành “con gà đẻ trứng vàng”. Họ không chỉ liên tục sắp xếp lịch trình dày đặc cho con mà còn tăng thù lao của cậu khi xuất hiện tại sự kiện. Đáng tiếc, đi kèm với mức phí thì trình độ thư pháp của Thế Long lại càng đi xuống. Không dừng lại ở đó, cậu còn mất đi hứng thú với thư pháp, trong khi dần bỏ bê việc học.
Một điều tệ hại hơn cả là do Thế Long đã quen được mọi người tung hô. Do đó, khi danh tiếng đi xuống thì cậu lại càng cố tìm cách nổi tiếng trở lại, nét chữ không đi lên mà ngày càng thương mại và bị chỉ trích. Nhiều người cho rằng, Hà Thế Long theo đuổi phong cách “thư pháp giang hồ”, không theo tinh hoa thư pháp truyền thống của Trung Quốc.
Về sau này, khi lý giải về nguyên nhân đi xuống trình độ thư pháp của Hà Thế Long, các chuyên gia nhận định:
Thứ nhất, cậu nổi tiếng khi còn trẻ, do đó nếu không biết trau dồi đúng cách và bài bản thì nét chữ sẽ như “bông hoa chóng nở nhưng cũng nhanh tàn”.
Thứ hai, một đứa trẻ thường xuyên sống trong kỳ vọng của gia đình và xã hội, tiếp xúc với việc phải kiếm tiền từ sớm sẽ nảy sinh cảm giác “nghẹt thở”. Về lâu dài, áp lực quá lâu sẽ tạo nên vấn đề tâm lý và giết chết tài năng của trẻ.
Và cuối cùng, độ tuổi của Hà Thế Long nên dành cho việc tiếp xúc, giao tiếp với thế giới bên ngoài, chẳng hạn đến trường gặp bạn bè. Tuy nhiên, cậu nhóc đã liên tục phải chạy đua với lịch trình bận rộn, sống trong vỏ bọc của cha mẹ quá lâu nên đánh mất niềm vui và sự phát triển mà nhà trường và giáo dục có thể mang lại. Từ đó, một đứa trẻ không có đầu óc được thư giãn sẽ mất đi cái hồn không chỉ ở tinh thần mà còn là trong nét chữ.
Bi kịch của thần đồng
Sống trong hào quang và kiếm được tiền từ còn nhỏ, do đó Hà Thế Long đã hình thành nhiều suy nghĩ lệch lạc về tiền nong. Đơn cử như các buổi biểu diễn của cậu liên tục bị chỉ trích vì mang yếu tố thương mại, trong khi tài năng thư pháp ngày càng xuống dốc.
Năm 2019, Thế Long livestream trên mạng xã hội để giao lưu với mọi người. Tại đây, cậu không ngừng kêu gọi họ tặng quà để đổi lấy thư pháp của mình. Tuy nhiên, sau sau livestream kết thúc, mọi người liên hệ với Thế Long nhận quà lại nghe được phản hồi phải trả 500 NDT (khoảng 1,7 triệu đồng).
Lúc này, nhiều người bức xúc cho rằng, lần trở lại này của Thế Long vẫn vì mục đích kiếm tiền. Trước phản ứng dữ dội của người dùng mạng xã hội, cậu đã khóa tất cả các tài khoản.
Hiện nay, Thế Long không còn công khai xuất hiện trước công chúng. Cậu đang làm gì, ở đâu, còn niềm đam mê với thư pháp hay không,… vẫn còn là bí ẩn với nhiều người. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là thần đồng thư pháp sẽ vấp phải nhiều khó khăn nếu muốn trở lại đỉnh cao như xưa. Đồng thời, cậu sẽ cần nỗ lực nhiều để vượt qua cái bóng của quá khứ và tìm được hướng đi phù hợp cho riêng mình.
Tổng hợp: Sohu,Toutiao-Theo Nguyệt-Theo PNM