Ngụy Văn Hầu là người xưng hùng xưng bá sớm nhất thời Chiến quốc, là vị quân vương tài năng đầu tiên mà Tư Mã Quang giới thiệu trong cuốn “Tư Trị Thông Giám”. Một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần tạo nên thành công của Ngụy Văn Hầu đó là ông rất giỏi nhìn người, dùng người.
Thuật chọn và tin dùng người tài của ông rất đáng để người đời sau chúng ta học hỏi.
Ngụy Văn Hầu chọn Tướng quốc
Trong “Tư trị thông giám” có ghi chép lại câu chuyện Ngụy Văn Hầu chọn Tướng quốc cho mình.
Khi có ý định chọn Tướng quốc, trong lòng Ngụy Văn Hầu sớm đã có hai lựa chọn: Trác Hoàng và Ngụy Thành Tử. Ngụy Văn Hầu hỏi ý kiến của Lý Khôi xem ai là người thích hợp hơn. Nhưng vì Lý Khôi được Trác Hoàng tiến cử cho Ngụy Văn Hầu, vậy nên Lý Khôi nói rằng ông muốn tránh tị hiềm, xin phép không nêu ý kiến. Dưới sự van nài năm lần bảy lượt của Ngụy Văn Hầu, Lý Khôi đã đưa ra 5 tiêu chuẩn cho việc lựa chọn.
Căn cứ theo 5 tiêu chuẩn này, Ngụy Văn Hầu đã đưa ra quyết định mau chóng, chọn Ngụy Thành Tử làm Tướng quốc.
Trác Hoàng sau khi biết việc này đã vô cùng tức giận, liền chất vấn Lý Khôi vì sao không đề bạt mình.
Lý Khôi nói bản thân ông không tiến cử ai cả, chỉ đưa ra cho Ngụy Vương cách để lựa chọn, đó chính là: “Cư thị kỳ sở thân, phú thị kỳ sở dư, đạt thị kỳ sở sử, cùng thị kỳ bất vi, cùng thị kỳ sở bất thủ”.
Ý của Lý Khôi là, muốn phán đoán một người có thể mang vác được trách nhiệm lớn, nên được việc lớn hay không, chỉ cần xem xét ở 5 phương diện. Đó chính là:
Thứ nhất, xem xem bình thường anh ta hay qua lại, chơi cùng ai. Nếu năng qua lại với quân tử, ắt là người có tiền đồ; còn nếu cả ngày chỉ ở với bọn tiểu nhân, vậy thì ắt không có hy vọng.
Thứ hai, xem xem khi giàu có, anh ta tiêu tiền ra sao. Người mà chỉ biết làm thỏa mãn nhu cầu, mong muốn cá nhân, sẽ rất khó phát triển thêm bước nữa; nhưng người biết tiêu tiền cho việc đọc sách hay bồi dưỡng thêm nhân tài, người đó ắt có khả năng làm nên việc lớn.
Thứ ba, xem xem khi thăng quan tiến chức, anh ta cắt nhắc chọn dùng những người nào. Nếu chỉ toàn cất nhắc người nhà, vậy thì không thể trọng dụng.
Thứ tư, xem xem khi rơi vào cảnh khó khăn, phẩm đức của anh ta sẽ ra sao. Nếu vẫn giữ được sự kiên định, không làm ra những chuyện trái với lương tâm, người như vậy nhất định có tiền đồ xán lạn; còn ngược lại, tuyệt đối không nên tin dùng.
Thứ năm, xem xem lúc nghèo khó, liệu anh ta có nhận của bất nghĩa không.
Trác Hoàng nghe xong không phục nói: “Ta có chỗ nào không bằng được Ngụy Thành Tử?”
Lý Khôi đáp: “Để ta nói cho ngài hai việc.
Thứ nhất, Ngụy Thành Tử đem 9 phần bổng lộc đặt vào chuyện học tập và bồi dưỡng nhân tài, chỉ giữ lại một phần cho chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Thứ hai, những nhân tài mà Ngụy Thành Tử tiến cử, tỷ như Tử Hạ, Điền Tử Phương đều là những môn hạ của Khổng Tử, là những người hiền đức giỏi giang, ngay cả Đại Vương cũng tôn họ làm thầy. Chỉ hai chuyện này thôi, ngài thấy Ngụy Thành Tử so với ngài thì thế nào?”.
Trác Hoàng nghe xong cảm thấy hổ thẹn không thôi, chắp tay hành lễ nói với Lý Khôi: “Trác Hoàng tôi quả thực không bằng Ngụy Thành Tử! Vậy mà lại còn đi trách tội ông, sau này, tôi cam nguyện làm học trò của ngài”.
Học hỏi từ người xưa chưa bao giờ là chuyện thừa. Tống Thần Tông nói, xét thấy việc xưa mang lại nhiều bài học bổ ích cho việc quản lý đất nước của hiện tại. 5 tiêu chí chọn người tài mà Lý Khôi gợi ý cho Ngụy Văn Hầu vẫn luôn có giá trị đối với những lãnh đạo trẻ ngày nay, những người muốn làm nên nghiệp lớn.
Theo Sound of Hope-Vũ Dương biên dịch