Nếu bạn thấy mình thấp thoáng đâu đó trong danh sách này, hãy sửa vội để không bị cho “ra rìa”.
Trong giao tiếp, đôi khi không cần nói nhiều, chỉ một ánh mắt, một cách cư xử nhỏ cũng đủ để người ta đánh giá bạn là người tinh tế… hoặc không. EQ cao giúp bạn được yêu mến và dễ hoà nhập, còn EQ thấp – kể cả do vô tình – cũng đủ sức đẩy bạn “ra rìa” lúc nào không hay. Có những hành động tưởng như vô thưởng vô phạt, nhưng thực chất lại đang âm thầm làm xấu hình ảnh của bạn trong mắt người khác. Điều đáng nói là: có rất nhiều người mắc phải mà không hề nhận ra.
Nếu bạn không muốn mình trở thành “nốt trầm lạc quẻ” trong bất kỳ cuộc trò chuyện hay môi trường nào, hãy xem ngay 5 dấu hiệu sau để kịp thời xoay chuyển trước khi quá muộn.
- Hay cắt lời người khác khi họ đang nói
Chắc hẳn bạn đã từng nghe hoặc ít nhất là cảm nhận được sự khó chịu khi bị người khác cắt lời trong lúc mình đang chia sẻ một điều gì đó quan trọng. Có thể bạn nghĩ rằng mình chỉ “nóng lòng” muốn nói một quan điểm nào đó, hoặc lo sợ sẽ quên mất ý tưởng của mình nếu không lên tiếng ngay. Tuy nhiên, điều này có thể làm người đối diện cảm thấy bị thiếu tôn trọng, giống như bạn không thực sự quan tâm đến họ hay những gì họ đang nói.
Một trong những dấu hiệu rõ ràng của người có EQ thấp là không kiểm soát được sự vội vã của bản thân trong giao tiếp (Ảnh minh họa)
Một trong những dấu hiệu rõ ràng của người có EQ thấp là không kiểm soát được sự vội vã của bản thân trong giao tiếp. Khi bạn cắt lời người khác, dù với ý tốt hay vô tình, bạn không chỉ phá vỡ nhịp điệu cuộc trò chuyện mà còn gián tiếp cho thấy rằng bạn không đủ kiên nhẫn để lắng nghe đến cùng. Điều này có thể khiến người khác cảm thấy không thoải mái và không muốn tiếp tục chia sẻ, vì họ cảm thấy lời nói của mình không được coi trọng.
- Chia sẻ quá nhiều về bản thân trong mọi cuộc trò chuyện
Khi bạn nói quá nhiều về mình, bạn vô tình chuyển trọng tâm của cuộc trò chuyện từ người khác sang chính bạn. Dù là trong những cuộc gặp gỡ bạn bè hay đồng nghiệp, giao tiếp hiệu quả là một quá trình tương tác hai chiều, không chỉ là bạn nói và người kia nghe. Nếu bạn không biết khi nào cần dừng lại để nhường không gian cho người khác chia sẻ, bạn sẽ dễ dàng tạo cảm giác rằng bạn không thực sự quan tâm đến họ.
Điều này còn nghiêm trọng hơn nếu bạn luôn làm như vậy trong mọi cuộc trò chuyện. Người đối diện sẽ cảm thấy không thoải mái, và có thể họ sẽ tự hỏi: “Tại sao tôi luôn phải nghe câu chuyện của người này mà chẳng được chia sẻ gì về bản thân?”. Họ sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng, và dần dần, họ có thể không muốn trò chuyện với bạn nữa.
- Phản ứng quá mạnh với lời góp ý
Phản ứng quá mạnh với lời góp ý là một trong những hành vi dễ nhận ra của người có EQ thấp. Lý do chính là vì người này không biết cách kiểm soát cảm xúc của mình khi đối diện với phản hồi từ người khác, đặc biệt là khi lời góp ý đó liên quan đến những yếu điểm của bản thân.
Thực tế, chẳng ai thích bị phê phán hay chỉ trích, dù là nhẹ nhàng hay thẳng thắn. Ai cũng có tự ái và mong muốn được khen ngợi. Nhưng, người có EQ cao sẽ không để cảm xúc cá nhân lấn át lý trí. Họ biết rằng lời nhận xét của người khác là một phần tất yếu trong quá trình học hỏi và phát triển. Ngược lại, người có EQ thấp lại rất dễ cảm thấy bị tổn thương hoặc “bị tấn công” mỗi khi nhận góp ý.

Việc phản ứng gay gắt và tiêu cực không chỉ khiến bạn mất cơ hội học hỏi và phát triển, mà còn khiến mối quan hệ với người khác trở nên căng thẳng, thậm chí là xa cách. Lý do là vì khi bạn không tiếp thu được ý kiến phản hồi, bạn sẽ không thể cải thiện được điểm yếu của mình và người góp ý cũng có thể cảm thấy rằng họ không được trân trọng. Họ sẽ ngần ngại chia sẻ ý kiến trong những lần sau.
- Hay đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác
“Không phải tại mình đâu, tại cái deadline sát quá!” hoặc “Tại người kia không gửi tài liệu kịp nên mình mới nộp muộn”… Nếu bạn thường xuyên nói những câu kiểu vậy, có thể bạn đang mang hình ảnh một người thiếu trách nhiệm và… EQ thấp.
Khi bạn liên tục đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác, bạn sẽ làm mất đi sự tin tưởng và tôn trọng từ người xung quanh. Mọi người sẽ cảm thấy bạn thiếu tính tự giác và không chịu trưởng thành. Đặc biệt trong môi trường làm việc, khi một người không chịu nhận lỗi mà chỉ biết đổ lỗi, họ sẽ trở thành một thành phần không thể phát triển trong nhóm. Mọi người sẽ không muốn hợp tác lâu dài với một người mà họ không thể tin tưởng sẽ chịu trách nhiệm với công việc của mình.
- Không để ý đến cảm xúc của người khác khi nói đùa

Nói đùa là một hình thức giao tiếp quen thuộc, giúp làm dịu đi sự căng thẳng và tạo nên bầu không khí thân thiện, gần gũi. Một câu đùa khéo léo có thể giúp mọi người kết nối, làm tan bớt sự ngượng ngùng và tạo ra những khoảnh khắc vui vẻ trong cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, ranh giới giữa sự hài hước và thiếu tế nhị lại rất mỏng manh, và không phải ai cũng nhận ra điều này. Khi một câu đùa không được suy nghĩ kỹ càng hoặc đi quá xa, nó có thể khiến người khác cảm thấy tổn thương, đặc biệt khi người đùa không hiểu được cảm xúc của đối phương.
Chính sự thiếu nhạy bén trong việc nhận biết cảm xúc của người khác khi đùa giỡn là một trong những dấu hiệu điển hình của việc EQ thấp. Những người này có thể nghĩ rằng mình đang tạo ra không khí vui vẻ và hài hước, nhưng thực tế, họ lại vô tình hoặc cố ý làm tổn thương người khác. Những câu đùa mang tính trêu chọc, châm chọc hoặc xúc phạm có thể gây rạn nứt trong mối quan hệ và khiến người nghe cảm thấy bị coi thường hoặc thiếu tôn trọng.
Tổng hợp-Trang Vũ–Đời sống & pháp luật