Tại sao có những người còn khá trẻ nhưng đã rất xuất sắc trong lĩnh vực của mình? Bí mật của họ là gì? Họ có những công thức phát triển “theo cấp số nhân” nào mà số đông những người trẻ còn lại có thể học hỏi?
Paul Angone tác giả về phát triển bản thân, người tạo nên cộng đồng “những đứa trẻ trưởng thành” (All Groan Up) đã tiếp cận đến genZ và millennials tại 190 quốc gia trên thế giới đã đưa ra những câu hỏi dành cho người trẻ để họ phát triển nhanh chóng trong công việc.
1, Tôi có đang được hướng dẫn không? Và tôi có đang là người hướng dẫn không?
“Tôi tin rằng sự hướng dẫn chính là điều có ý nghĩa nhất mà bạn có thể trang bị cho thời thanh xuân của mình, và trong cả cuộc đời”, Paul Angone viết trong cuốn sách “Thay câu hỏi đổi cuộc đời” (101 Questions you need to ask in your twenties).
Trong hầu như mọi lĩnh vực, việc có một mentor – người hướng dẫn, cố vấn – là một “con đường tắt” để phát triển bền vững. Một người mentor tốt vừa chia sẻ cho bạn kinh nghiệm chuyên môn, vừa là nguồn cảm hứng, vừa là người bạn giúp gỡ rối, “xua tan sương mù” khi bạn bế tắc hay mất động lực.
Bạn không có người hướng dẫn? Hãy viết tên vài người mà bạn tin tưởng có thể hướng dẫn bạn, sau đó hãy kết nối ngay với cái tên đứng đầu ở mỗi danh sách. Hãy dũng cảm gửi đi một email, một tin nhắn chân thành, điều bạn nhận về có thể là một mối quan hệ và sự chỉ dẫn vô giá.
Ở chiều ngược lại, việc hướng dẫn cho người khác cũng quan trọng tương tự. “Khi được ai đó dìu dắt, bạn học được rất nhiều điều hay. Khi dìu dắt người khác, bạn thậm chí còn học được nhiều hơn”, Paul Angone viết.
Khi chỉ dạy cho ai đó điều bạn biết, bạn củng cố những kiến thức, kỹ năng của mình. Và khi giúp ai đó hiểu ra điều gì, bạn cũng chủ động hiểu thêm rất nhiều thứ.
2, Tầm nhìn dài hạn của tôi là gì?
Theo Paul Angone, thế hệ trẻ hiện nay thường có những ước mơ to tát nhưng lại thiếu một tầm nhìn dài hạn giúp vươn đến ước mơ. Vì thế mà họ thường cảm thấy nặng nề, choáng ngợp trước những khát khao.
Câu hỏi “Tầm nhìn dài hạn của tôi là gì?” giúp người trẻ không bị trôi dạt theo những thăng trầm của hoàn cảnh ngắn hạn, giúp bạn nhìn xa hơn những thất bại và thành công trước mắt.
“Khi có tầm nhìn xa, bạn có thể vững vàng bước đến tương lai ngay cả khi hiện tại là một ngày đông xám xịt. Khi có tầm nhìn xa, bạn sẽ thấy thất bại chỉ là một bước đi chệch đường nho nhỏ, chứ không phải là một tảng đá khổng lồ cản đường bạn”, tác giả chia sẻ.
3, Tôi có ai trong “đội hình trong mơ” của mình?
Paul Angone cho rằng, để thành công, có lẽ chẳng có điều gì mạnh mẽ và quan trọng hơn những người đồng hành cùng bạn suốt chặng đường. Theo tác giả, mỗi người chúng ta đều cần một “đội hình trong mơ” – một nhóm bạn gắn bó thân thiết, gồm từ 3 đến 5 người cùng chí hướng, tin tưởng, truyền động lực và hỗ trợ lẫn nhau.
Hãy viết ra những cái tên mà bạn muốn có trong “đội hình trong mơ” của mình và mời tất cả một buổi cà phê khi có thể. Hoặc nếu các bạn ở xa thì họp mặt online. Hãy hỏi xem họ có đồng ý gặp nhau ít nhất mỗi tháng một lần và hỗ trợ nhau theo đuổi ước mơ, chia sẻ và động viên nhau thực hiện ý tưởng không.
4, Tôi đang sợ điều gì? Nỗi sợ đó có đáng không?
Rất nhiều người khi nhìn lại quãng đường sự nghiệp đã qua của mình thường chia sẻ rằng, điều họ hối tiếc nhất là không làm điều này, điều kia sớm hơn.
Nỗi sợ đang khiến bạn không dám làm điều gì? Có đáng không khi để cho nỗi sợ đó ngăn cản bạn tiếp thu kiến thức mới, trải nghiệm thử thách mới? Có đáng không khi phải sống thoải mái nhưng trì trệ và đầy bứt rứt?
“Nếu bạn sợ điều gì, hãy làm điều đó. Bạn có thể giảm bớt nỗi sợ bằng cách làm việc đó trong sợ hãi. Sau mỗi lần như thế, nỗi sợ sẽ vơi dần”, Paul Angone thúc giục.
Nếu bạn sợ nói chuyện trước đám đông, hãy tham gia một khóa học để thực hành diễn thuyết. Nếu bạn sợ kết giao, hãy gửi email ngay cho 5 người mà bạn muốn gặp. Hãy gõ cửa vào công ty bạn ao ước và hỏi về một vị trí còn trống. Hãy tham gia dự án lớn sắp tới của công ty, ngay cả khi bạn cảm thấy hơi quá sức. Hãy cứ xắn tay vào làm, sau đó tìm cách hoàn thành những việc đó. Ta học được nhiều nhất khi làm những việc mà mình cảm thấy mình có ít năng lực hoàn thành nhất.
“Hãy tiến về phía trước bất chấp nỗi sợ, và rồi lần tới, nỗi sợ sẽ vơi đi. Đừng đợi đến khi bạn cảm thấy đúng thời điểm hoặc hoàn toàn sẵn sàng”, Paul Angone nhấn mạnh.
5, Làm sao để vượt qua cảm giác tiêu cực, sự hoài nghi, sự mất cảm hứng để tiếp tục công việc?
“Tôi nghĩ những người thành công nhất không đi tìm cảm hứng để hoàn thành công việc. Người thành công sẽ bắt tay vào việc trước, và cảm hứng sẽ theo sau”. “Bí quyết để làm những công việc tuyệt vời là hãy luôn có mặt. Hãy luôn cày xới, vun trồng, tưới nước và tạo dựng”, đó là lời khuyên sau cùng Paul Angone.
Bản thân Paul Angone vẫn luôn cần nhắc nhở anh mỗi ngày rằng, đôi khi điều tạo cảm hứng nhất ta có thể làm là luôn luôn “có mặt”. Tìm phương án khác. Không ngừng khắc phục khó khăn. Chúng ta hoàn tất một công việc tuyệt vời bằng cách không ngừng thực hiện nó.
Câu hỏi cuối cùng này nhắc bạn rằng, không có bất kỳ một short-cut – một sự đốt cháy giai đoạn nào cho những người trẻ muốn thành công. Chăm chỉ, kiên trì, và không bỏ cuộc, bí mật còn lại của những “bậc thầy”, đơn giản chỉ có vậy.
Kết
Paul Angone cho rằng trong từng thời điểm trong đời, việc đặt đúng câu hỏi cho bản thân rất quan trọng.
5 câu hỏi trên cần thiết cho ai muốn “tăng tốc” trên con đường sự nghiệp. Nhưng nếu bạn vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm và chưa hoàn toàn chắc chắn mình sẽ theo đuổi con đường nào (điều hoàn toàn bình thường với bất cứ ai trong những năm tuổi 20), theo Paul, những câu hỏi bạn cần thường là: “5 giá trị tinh thần quan trọng nhất của tôi là gì?”; “Con đường sự nghiệp mà tôi đang đi có tạo ra cuộc sống mà tôi mong muốn hay không?”; “Tôi sẽ hối tiếc nếu không thực hiện điều gì?”; “3 điều không thể thoả hiệp trong cuộc sống và sự nghiệp của tôi là gì?”…
Nguyên Thảo–Theo Nhịp sống kinh tế