Cho đến năm 2023, kỷ nguyên tiền dễ kết thúc. Các thị trường và nền kinh tế toàn cầu bắt đầu điều chỉnh lãi suất.
Khi xem xét các động lực thúc đẩy thị trường, các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng thu nhập và định giá. Trong một lưu ý mới, các chiến lược gia Joseph Quinlan và Lauren Sanfilippo của Bank of America (BofA) đã phân tích 5 bài học lớn nhất trong năm 2023, khi thị trường chuẩn bị bước sang một năm mới.
Bài học đầu tiên là gì? “Đừng đặt cược chống lại nước Mỹ”, các nhà phân tích viết.
Một năm trước, hầu hết các nhà dự báo đều cho rằng một cuộc suy thoái sẽ xảy ra vào năm 2023. Lý do là vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ. Nhưng thay vì bị trì trệ, nền kinh tế Mỹ lại tăng tiến về phía trước. Chi tiêu tiêu dùng và thị trường mạnh mẽ thúc đẩy sự tăng trưởng.
Các chiến lược gia cho biết: “Nền kinh tế Mỹ vẫn là màn trình diễn vĩ đại nhất trên Trái đất”. Họ mô tả đất nước này như “sinh vật thần thoại nhiều đầu Hydra”. Với trị giá 27.000 tỷ USD, nước Mỹ đứng đầu trong nhiều hoạt động kinh tế khác nhau bao gồm nông nghiệp, hàng không vũ trụ, năng lượng, công nghệ, v.v.
Theo các chuyên gia của BofA, điều thứ hai rút ra là Trung Quốc cần một mô hình tăng trưởng mới. Sự phục hồi được mong đợi đã không đến. Thay vào đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải gồng gánh lĩnh vực bất động sản gặp khó, tình trạng già hoá dân số và đầu tư nước ngoài sụt giảm.
Hai chiến lược gia Quinlan và Sanfilippo cho biết: “Một mô hình tăng trưởng mới có thể tập trung vào người tiêu dùng Trung Quốc. Chi tiêu tiêu dùng cá nhân ở Trung Quốc chỉ chiếm 40% GDP, thấp hơn so với khoảng 70% ở Mỹ. Tuy nhiên, các chính sách tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng nhờ tiêu dùng…vẫn chưa thành hiện thực”.
Vào năm 2023, Chỉ số MSCI EM đã tăng trưởng trở lại khoảng 5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của Chỉ số S&P 500.
Bài học thứ ba của năm 2023 là những người cảnh giác với trái phiếu đã quay trở lại. Theo BofA, các nhà đầu tư năm nay đã bán tháo trái phiếu để phản đối chi tiêu quá mức của chính phủ. Sự hiện diện của họ cho thấy chi tiêu thâm hụt là một vấn về.
Các chiến lược gia cho biết: “Do lãi suất tăng, chi phí lãi vay đã tăng gần 40% trong năm ngoái. Trong khi đó, các chương trình chi tiêu bắt buộc như Medicare, Medicaid và An sinh xã hội tiếp tục mở rộng. Điều này cũng tương tự đối với chi tiêu quốc phòng. Với tỷ lệ nợ công trên GDP ở mức kỷ lục, sẽ có rất ít cơ hội để mở rộng tài chính hiệu quả trong vài năm tới. Yếu tố này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng chung trong ngắn hạn và trung hạn”.
Trong khi đó, giữa nhiều cuộc xung đột đang gia tăng căng thẳng trên khắp thế giới, các chiến lược gia cho rằng bài học thứ tư là các nhà đầu tư không thể bỏ qua vấn đề địa chính trị. Các cuộc xung đột gần đây thúc đẩy tăng cường chi tiêu quân sự toàn cầu. Vào năm 2021, chi tiêu quốc phòng toàn cầu hàng năm lần đầu tiên lên tới 2.000 tỷ USD. Dẫn đầu trong số đó là Mỹ, với tổng ngân sách quốc phòng đạt mức kỷ lục 858 tỷ USD trong năm tài khoá 2023.
Từ quan điểm của các chiến lược gia ngân hàng, bài học rút ra là để các nhà đầu tư duy trì thái độ tích cực với các nhà thầu quốc phòng vốn hóa lớn của Mỹ và các công ty tên tuổi về an ninh mạng.
Bài học cuối cùng trong năm đó là kỷ nguyên TINA đã kết thúc. TINA là viết tắt của “there is no alternative”, có nghĩa là không tài sản nào thay thế được cổ phiếu. Giờ đây, các tài sản có rủi ro thấp như tiền mặt và trái phiếu đang mang lại lợi nhuận và sự linh hoạt.
Với lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, tiền mặt sẽ không có lợi suất âm như thập kỷ trước. Trong khi đó, trái phiếu cũng sẽ mang lại khoản lãi cao. Các chiến lược gia chỉ ra rằng đối với thị trường cổ phiếu, những cơn gió thuận như tăng trưởng ổn định, không lạm phát cùng với toàn cầu hóa đã đảo chiều. Chi phí vốn tăng, thâm hụt ngân sách lớn và chi phí chuỗi cung ứng ngày càng đắt đỏ khiến nhà đầu tư có sự cân nhắc khi phân bổ tài sản vào cổ phiếu.
Tham khảo MI-Theo Anh Dũng–Theo Nhịp sống thị trường