Trong tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến cạnh tranh thị trường lao động khắc nghiệt như hiện nay, việc kiếm việc làm khi ra trường của sinh viên trở thành vấn đề nóng.
Bất cứ ai học đại học về cơ bản cũng mong muốn sau khi ra trường sẽ có công việc ổn định và mức lương khá. Nếu bạn chỉ là một thành viên bình thường trong hàng triệu người cũng đang tìm việc, sẽ rất khó cạnh tranh nếu chúng ta không có thành tích tốt hoặc kinh nghiệm thực tập trước đó.
Trong tương lai sẽ có 4 loại sinh viên đại học rất khó cạnh tranh trong thị trường việc làm hiện tại, ngay cả khi tốt nghiệp ở những ngôi trường khá trở lên.
Sinh viên không chú trọng việc học
Nhiều người có niềm tin rằng cuộc sống đại học sẽ không bị gò bó và rất tự do. Đã không ít người chọn “buông thả” khi lên đại học để bù đắp cho 12 năm bị quản chặt trên ghế nhà trường. Nếu không thích môn nào đó thì họ sẽ không học, nếu không thích một giảng viên nào đó họ sẽ bỏ lớp. Các sinh viên này chỉ đi học với mục đích duy nhất “miễn tốt nghiệp là được”.
Suốt quãng đời đại học, sinh viên cũng có nhiều hoạt động khác có thể gây xao nhãng như đi làm thêm, tham gia câu lạc bộ,… nên một số người sinh lười biếng. Thế nhưng cuộc sống đại học kiểu này không phải là giải pháp lâu dài.
Ngay cả khi bằng cách nào đó, bạn vẫn có được một bảng điểm khá thì khi tốt nghiệp đại học và bắt đầu tìm việc làm, bạn sẽ thấy việc thiếu kiến thức thực sự có tác hại lớn đến thế nào. Ngay cả khi qua được vòng phỏng vấn, việc thiếu chuyên môn, kỹ năng sẽ khiến chúng ta bị đào thải nhanh chóng.
Không có mục tiêu lâu dài
Tại sao nhiều bạn học chăm chỉ để vào được trường đại học lý tưởng rồi lại hoàn toàn thay đổi khi vào đại học? Lý do rất đơn giản, khi vào đại học, các bạn không còn theo đuổi điều gì, không biết mình muốn gì, sau này muốn làm gì, cũng không biết kiến thức nào có ích. Nhiều bạn chỉ biết học mà không hề nghĩ về con đường tương lai sau khi ra trường.
Mỗi người đều phải có hai mục tiêu, một là mục tiêu ngắn hạn và hai là mục tiêu dài hạn. Hãy chuẩn bị cho mình các kiến thức và cả cơ hội thực tập trong lĩnh vực muốn theo đuổi ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Với tình hình cạnh tranh như hiện nay, đợi đến khi tốt nghiệp có thể là đã muộn.
Không thực tế, quá mơ mộng
Đặt kỳ vọng quá cao là vấn đề thường gặp phải ở người trẻ, nhất là những ai chưa va vấp thực tế nhiều. Nhiều cử nhân cho rằng tôi có trình độ học vấn rất cao, bảng điểm đẹp nên xứng đáng phải vào công ty lớn, vị trí như mong muốn và có thu nhập trên 10, 20 triệu.
Thế nhưng thực tế không bao giờ dễ dàng như vậy, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Không ít bạn trẻ ra trường đã phải vỡ mộng trước tình hình tuyển dụng thực tế và phải chịu giảm kỳ vọng của mình xuống. Bao giờ cũng vậy, đi từng bước từ từ và thực tế. Nếu dành hàng tháng, thậm chí cả năm trời để tìm “công việc trong mơ” thì bạn đã bỏ lỡ cơ hội lẫn thời gian của chính mình.
Kiến thức lý thuyết tốt nhưng khả năng thực hành kém
Đây hẳn là một vấn đề chung của nhiều sinh viên đại học hiện nay do nền giáo dục thiên về lý thuyết. Chỉ cần có kiến thức lý thuyết trong sách giáo khoa thì học sinh sinh viên có thể đạt điểm tối đa trong kỳ thi. Nhưng trong thực tế, nhiều vấn đề khác nhau lần lượt phát sinh. Khi tìm việc, nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào không chỉ vì trình độ học vấn mà còn rất quan tâm kỹ năng, vì mong muốn của họ cuối cùng là bạn có thể tạo ra bao nhiêu lợi nhuận cho công ty và có thể mang lại bao nhiêu lợi ích.
Có câu nói thực hành là tiêu chí để kiểm nghiệm sự thật. Vì vậy, đối với sinh viên đại học hiện nay, chỉ kiến thức lý thuyết thôi là chưa đủ mà chúng ta cần phải nâng cao khả năng thực hành của mình.
Sau tất cả, muốn cạnh tranh thì mấu chốt là phải bắt đầu từ chính mình. Chỉ cần bạn đủ mạnh, đủ giỏi thì xã hội này sẽ luôn cần bạn, và rất nhiều công ty sẽ xếp hàng để có được bạn, bất chấp thị trường lao động có tàn khốc đến thế nào.
Theo Nhật An-Theo PNS