Giao tiếp là chìa khóa để xây dựng các mối quan hệ, nhưng cũng có thể trở thành nhân tố phá hủy tất cả. Có 4 điều tuyệt đối không nói ở nơi làm việc, nếu bạn vô tình “lỡ miệng”, rất có thể sẽ mang lại tai họa cho sự nghiệp của mình.
Khi làm việc trong môi trường công sở, thường xuyên phải xử lý mối quan hệ giữa các nhân viên, bạn sẽ chứng kiến không ít người có năng lực tốt nhưng vẫn phải tiếc nuối nói lời chia tay công ty. Nguyên nhân là vì những lời nói cá nhân không phù hợp.
“Tránh voi chẳng xấu mặt nào” nên chúng ta cần biết cách tự bảo vệ bản thân, tránh để lãnh đạo và đồng nghiệp chán ghét. Dưới đây là 4 điều tuyệt đối không nói ở nơi làm việc mà mọi người có thể tham khảo.
1. Nói lời ngông cuồng, kiêu ngạo
Trong bộ phận kinh doanh của Đại Minh có một nhân viên rất xuất sắc, thường xuyên hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, đồng thời có tính cách năng nổ, hoạt bát. Điều này khiến anh ta gây dựng được khá nhiều mối quan hệ. Ai cũng nghĩ rằng, sớm muộn gì người nhân viên này cũng được tăng lương hoặc thậm chí là thăng chức.
Tuy nhiên, chỉ sau đó vài tháng, anh ta đã bị sa thải. Nguyên nhân là do sau một bữa tiệc, trong cơn phấn khích, anh ta đã tới thẳng chỗ lãnh đạo cấp cao để khoe khoang về thành tích của mình với mong muốn được thưởng thêm.
Ngay lúc đó, lãnh đạo cấp cao đồng ý thưởng thêm cho anh ta 3% hoa hồng, nhưng khi quay đi, ông đã lắc đầu ngao ngán. “Người này có thể đắc lực nhất thời, nhưng khó có thể trọng dụng lâu dài”, vị lãnh đạo nói với người bên cạnh.
Quả thật, một thời gian sau, đồng nghiệp của Đại Minh đã gây ra họa lớn cũng vì một lần “lỡ mồm”, đắc tội với một khách hàng quan trọng. Để đền bù cho những thiệt hại mà anh ta gây ra và làm nguôi lòng khách hàng, công ty đã mất không ít tài nguyên. Sau vụ việc này, anh ta không còn được cấp trên giao phó trọng trách, trở thành “người thừa” rồi bị sa thải trong một đợt cắt giảm nhân sự
Một người trở nên kiêu ngạo, ngông cuồng chỉ vì đạt được thành tựu nhất thời thì khó có thể đi xa. Sự kiêu ngạo là “thuốc độc” có thể giết chết sự nghiệp một cách nhanh nhất.
2. Nói về chuyện đời tư
Lãnh đạo có một nữ thư ký tháo vát, làm việc rất hiệu quả nhưng có một tật xấu là không kiểm soát được cái miệng của mình. Trong quá trình làm việc, thường xuyên tiếp xúc và đồng hành cùng lãnh đạo, nữ thư ký biết được một vài chuyện riêng tư.
Trong một lần nói chuyện với người bạn thân làm cùng công ty, nữ thư ký “lỡ miệng” để lộ một vài chuyện. Không ngờ, mấy ngày sau, đã có rất nhiều tin đồn nhảm xung quanh đời tư của lãnh đạo được phát tán khắp nơi.
Những điều này khiến thư ký đánh mất lòng tin của lãnh đạo, bị điều chuyển sang một bộ phận khác. Nếu còn muốn phát triển, ước chừng phải rời đi mới có cơ hội.
Do đó, trong công ty, dù ở cấp bậc nào cũng cố gắng không bàn luận chuyện đời tư, kể cả của mình và của người khác. Ngay cả khi vô tình biết được, bạn cũng nên làm như không thấy.
3. Khoe khoang quan hệ thân thiết với cấp trên
Anh Trương nổi tiếng là người có năng lực, có tiếng nói trước mặt cấp trên, thường xuyên được ưu ái trong công việc. Đột nhiên một ngày, cấp trên yêu cầu bộ phận nhân sự điều chuyển anh Trương tới một chi nhánh khác làm việc. Mọi người đều ngầm hiểu việc này giống như bị giáng chức.
Bản thân anh Trương cũng không hiểu nguyên do đằng sau nên đi tìm cấp trên để hỏi thăm. Hóa ra, do anh ta thường xuyên khoe khoang với mọi người về quan hệ thân thiết với cấp trên, kể chuyện cấp trên giao cho các cơ hội “béo bở” trong công việc như thế nào. Việc này tới tai lãnh đạo cấp cao hơn nên mang lại không ít rắc rối.
Việc lãnh đạo tạo cơ hội và ưu ái riêng giống như một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó cho thấy tài năng và con người của bạn được tán thành. Nhưng mặt khác, nó cũng đồng nghĩa với việc mọi người dễ so bì, tị nạnh hơn. Nếu đem chuyện này công khai thể hiện ra ngoài, bạn sẽ phải chịu gièm pha đến từ đồng nghiệp và thậm chí bị mất thiện cảm với lãnh đạo cấp cao.
4. Lan truyền tin đồn
Bà Annie McKee, nhà sáng lập của học viện Teleos Leadership chia sẻ ý kiến: “Là con người, tất cả chúng ta đều cần có sự giao tiếp với nhau, có người ít, có người nhiều nhưng chắc chắn đều không thể ngừng giao tiếp.”
Tuy nhiên, ở nơi làm việc luôn có những người thích đưa chuyện, tạo ra không ít tin đồn chưa rõ đúng sai đã được lan truyền khắp nơi. Điều này không còn là giao tiếp ở mức độ thông thường, mà đã trở thành “kẻ lắm mồm”, “tọc mạch” và gây chuyện thị phi.
Những người ưa buôn chuyện luôn kể chuyện riêng tư của người khác đi khắp nơi, kèm thêm cả ý kiến cá nhân của họ vào, gây ra sự hiểu nhầm, dẫn đến xích mích, mâu thuẫn trong quan hệ đồng nghiệp.
Thực tế cuộc sống luôn có những người bạn thích và những người bạn không ưa nổi, nhưng dù sao bạn vẫn phải duy trì công việc của mình. Điều quan trọng là đừng để những người như thế làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
Nếu hôm nay bạn “buôn dưa lê”, nói xấu người khác, ngày mai câu chuyện ấy sẽ lại lọt vào tai kẻ thứ ba, và nhiều người khác. Đừng quên “tai vách mạch rừng”, nhất là nơi môi trường công sở. Thông tin, theo nhiều cách, có thể đến tai sếp.
*Theo Aboluowang-Thuý Phương–Theo Trí thức trẻ