Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về lý do các nhà lãnh đạo nên có tâm, vị tha và từ bi
Trong gần 60 năm qua, tôi đã làm việc với nhiều lãnh đạo trong chính phủ, các công ty và các tổ chức khác. Và tôi cũng đã quan sát xã hội phát triển và thay đổi như thế nào. Tôi rất vui khi được chia sẻ một số kiến thức của mình cho mọi người và tôi hy vọng rằng các bạn thấy nó hữu ích.
Các nhà lãnh đạo dù họ làm việc trong lĩnh vực nào, thì họ đều có tác động mạnh mẽ đến cuộc sống và cách thế giới phát triển. Chúng ta nên nhớ rằng chúng ta chỉ là du khách trên hành tinh này. Chúng ta ở đây cùng lắm là 90 hoặc 100 năm mà thôi. Trong khoảng thời gian này, chúng ta nên làm gì đó để thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.
Một thế giới tốt đẹp hơn trông như thế nào? Theo tôi câu trả lời đơn giản là: Một thế giới tốt đẹp hơn là một nơi mọi người hạnh phúc hơn. Tại sao? Bởi vì tất cả con người đều muốn hạnh phúc, và không ai muốn đau khổ cả.
Nhưng ngày nay, thế giới dường như đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tâm lý. Hiện nay, tỷ lệ căng thẳng, lo lắng và trầm cảm cao hơn bao giờ hết. Khoảng cách giàu nghèo cũng rất đáng lo ngại. Thêm vào đó tình trạng chạy theo lợi nhuận không màng đến môi trường và xã hội cũng đang ở mức báo động.
Tôi cho rằng xu hướng nhìn nhận mọi việc theo kiểu “chúng ta” và “họ” là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta đang sống và làm việc trên hành tinh này, chúng ta đang cùng tham gia vào một nền kinh tế toàn cầu vì thế chúng ta phụ thuộc lẫn nhau. Hơn nữa, là con người, chúng ta đều giống nhau về thể chất, tinh thần và cảm xúc nên những thay đổi của khí hậu và môi trường đều ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.
Hãy nhìn những con ong xem. Chúng không có hiến pháp, cảnh sát hay đạo đức lối sống, nhưng chúng làm việc cùng nhau để tồn tại. Mặc dù chúng có thể thỉnh thoảng xảy ra mâu thuẫn nhưng chúng vẫn hợp tác với nhau để tồn tại. Mặt khác, con người có hiến pháp, hệ thống luật pháp chặt chẽ và lực lượng cảnh sát hùng hậu. Hơn nữa, chúng ta có trí thông minh vượt trội, có khả năng yêu thương và có tình cảm tuyệt vời. Mặc dù có nhiều phẩm chất phi thường như thế, nhưng khả năng hợp tác của chúng ta dường như rất ít.
Trong các tổ chức, mọi người luôn làm việc cùng nhau. Nhưng dù vậy, nhiều người vẫn cảm thấy cô đơn và căng thẳng. Mặc dù chúng ta cùng là con người trong xã hội, nhưng chúng ta lại thiếu trách nhiệm với nhau. Vậy nguyên nhân do đâu?
Tôi cho rằng vì chúng ta đã quá tập trung phát triển kinh tế, chính vì thế chúng ta quên mất cách quan tâm chăm sóc và đối xử tử tế với người khác. Để khắc phục điều này thì trước hết chúng ta phải có lòng vị tha với chính những người thân trong gia đình. Đó là điều cơ bản để các tổ chức và cũng như các cá nhân trong xã hội phát triển về lâu dài. Và đối với việc này mọi người đều có trách nhiệm như nhau.
Người lãnh đạo có thể làm gì?
Quan tâm
Chúng ta có một trí thông minh vượt trội, điều này cho phép chúng ta phân tích và lập kế hoạch cho tương lai. Chúng ta có ngôn ngữ cho phép chúng ta truyền đạt thông tin cho người khác. Nhưng vì những cảm xúc tiêu cực như giận dữ và tiếc nuối làm khả năng sử dụng trí thông minh của chúng ta giảm đi đáng kể.
Sợ hãi và lo lắng thường là tiền đề của tức giận và bạo lực. Đối lập với sợ hãi là tin tưởng, nó giúp chúng ta tự tin hơn. Thêm vào đó lòng trắc ẩn không chỉ làm giảm bớt lo lắng sợ hãi mà nó còn là biểu hiện của sự quan tâm. Chính vì thế nếu bạn bị các cảm xúc tiêu cực chi phối, thì khả năng đánh giá thực tế của bạn sẽ bị hạn chế. Ngược lại nếu tâm bình tĩnh thì chắc chắn bạn sẽ hành động một cách lý trí.
Vị tha
Chúng ta luôn đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu. Điều này không sai vì chúng cần làm thế để tồn tại. Nhưng chúng ta phải biết tư lợi một cách khôn ngoan, rộng lượng, biết hợp tác và không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người khác. Sự hợp tác đến từ tình bạn, tình bạn đến từ sự tin tưởng và sự tin tưởng đến từ lòng tốt. Một khi bạn thực sự quan tâm đến người khác thì gian lận, bắt nạt hoặc bóc lột không có chỗ để tồn tại. Thay vào đó, bạn có thể trung thực, chính trực và minh bạch trong hành vi của mình.
Từ bi
Ngay cả động vật cũng có tình cảm huống chi là con người. Vì vậy, nguồn gốc của hạnh phúc chính là tình yêu ấm áp giữa người với người. Đối với con người, lòng nhân ái có thể kết hợp với trí thông minh. Nếu biết cách, bạn có thể lan tỏa nó đến với tất cả 7 tỷ người trên trái đất này. Cảm xúc tiêu cực có liên quan đến sự thiếu hiểu biết, trong khi lòng trắc ẩn là một cảm xúc mang tính xây dựng liên quan đến trí thông minh.
Cuộc sống có hạnh phúc hay không phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân chúng ta. Bạn thấy đấy, những kẻ gây rối ở nhiều nơi trên thế giới thường được giáo dục khá tốt, vì vậy không phải cứ có giáo dục là chúng ta sẽ hạnh phúc. Điều chúng ta cần là chú ý đến những giá trị cốt lõi.
Động cơ là yếu tố giúp chúng ta phân biệt hòa bình và bạo lực. Những hành động xuất phát từ sự tức giận và tham lam có xu hướng bạo lực. Còn những hành động xuất phát từ lòng trắc ẩn sẽ đem lại hòa bình.
Chúng ta sẽ thể không mang lại hòa bình cho thế giới chỉ bằng cách cầu nguyện. Chúng ta phải giải quyết ngay bạo lực, tham nhũng và những thứ có thể phá vỡ hòa bình. Nếu chúng ta không hành động thì đừng mong có sự thay đổi.
Bình yên cũng có nghĩa là không bị quấy rầy, không gặp nguy hiểm. Thực ra sự an tâm xuất phát từ bên trong mỗi con người. Nó liên quan đến tinh thần và phụ thuộc vào việc chúng ta có một tâm trí bình tĩnh hay không. Nó cũng đòi hỏi chúng ta phải phát triển một trái tim ấm áp và sử dụng trí thông minh của mình. Mọi người thường không biết rằng lòng nhân ái, lòng trắc ẩn và tình yêu thương mới là những thứ chúng ta cần để tồn tại.
Trong Phật giáo người ta mô tả ba phong cách lãnh đạo từ bi:
Một là, người đi trước, người dẫn đầu, họ chấp nhận rủi ro và làm gương cho người đi sau;
Hai là, người lái đò, họ là người lèo lái một con thuyền vượt qua phong ba bão táp suốt cả cuộc hành trình;
Ba là, người chăn cừu, người đi sau, họ là những người nhìn thấy từng thành viên đi vào nơi an toàn trước cả họ.
Ba phong cách, ba cách tiếp cận, nhưng có một điểm chung đó là sự quan tâm đến phúc lợi của những người mà họ lãnh đạo.
Mai Phương-Theo HBR