Muốn kiếm được tiền từ việc lao động trí óc, giỏi kỹ năng chuyên môn thôi là chưa đủ.
*Dưới đây là chia sẻ của Tạ Ái Lôi – Người có bằng Thạc sĩ Nghiên cứu Văn hóa, từng du học nước ngoài, nhưng sau khi tốt nghiệp, cô vẫn không tìm được việc. Thậm chí, còn bị cho nghỉ việc chỉ sau chưa đầy 1 tháng thử việc. Hiện thực không mấy dễ chịu ấy đã giúp họ phần nào có cái nhìn đúng đắn, thực tế hơn về thị trường lao động, cũng như chuyện đi làm kiếm tiền.
Vỡ mộng với hiện thực
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Xã hội học tại Đại học Bắc Kinh, tôi tiếp tục đi du học thêm 2 năm nữa, để lấy bằng Thạc sĩ Nghiên cứu Văn hóa. Quá trình du học của tôi diễn ra rất thuận lợi, dù phải làm việc nhóm cùng các bạn từ khắp nơi trên thế giới, khác biệt cả về ngôn ngữ lẫn văn hóa, nhưng chúng tôi gần như không gặp trắc trở gì trong suốt quá trình làm nghiên cứu, khóa luận.
Tôi hoàn thành 2 năm du học, trở về nước với tấm bằng Thạc sĩ trong tay, dự định sẽ tìm một công việc đúng chuyên môn, vừa để kiếm tiền, vừa để tích lũy kinh nghiệm cho quá trình học lấy bằng Tiến sĩ.
Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 1 tháng về nước, tôi thực sự vỡ mộng. Tôi tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh với tấm bằng Xuất sắc, có bằng Thạc sĩ Nghiên cứu, nhưng hiện thực trước mắt tôi khi ấy lại chỉ gói gọn trong 1 từ: Hoang mang.
Tôi đã trượt kỳ thi công chức, và trượt phỏng vấn của 6 doanh nghiệp tư nhân và tập đoàn nước ngoài. Trong lúc tuyệt vọng nhất, một tổ chức phi chính phủ đã gửi email thông báo, nói rằng tôi đã trúng tuyển vị trí Biên tập viên. Dù đó không phải công việc đúng với mong muốn của tôi, nhưng lúc ấy, tôi đã nghĩ “có vẫn hơn không”. Tuy nhiên, khi còn chưa kịp mừng, tôi đã nhận thông báo sa thải ngay trong tuần thử việc thứ 3, với lý do gọn lỏn “không phù hợp”.
Những chuỗi ngày thất nghiệp của tôi cứ như vậy mà kéo dài, từ khao khát được đi làm, được nghiên cứu, tôi ngày càng tuyệt vọng hơn, vì chẳng có nơi nào nhận, và chính tôi cũng chẳng hiểu vì sao bản thân lại không thể xin được việc. Thậm chí, còn chưa thử việc xong đã bị hắt bỏ.
Chỉ đến khi “cầu cứu”, xin lời khuyên của Giáo sư – Người đã viết giấy giới thiệu giúp tôi thành công xin được học bổng đi học Thạc sĩ, tôi mới nhận ra khiếm khuyết của bản thân.
Tôi giỏi và yêu thích công việc liên quan tới văn hóa, lịch sử, nhưng chuyện đi làm và kiếm tiền lại không đơn giản như việc dành hàng trăm giờ để đọc một cuốn sách hay một cuộc nghiên cứu đã được công bố.
“Môi trường làm việc là một xã hội thu nhỏ, ở đó, có sự đa dạng tính cách, đó cũng chính là sự đa dạng văn hóa. Nếu cứ thu mình lại, e ngại việc tương tác với đồng nghiệp, chỉ cặm cụi mày mò tự nghiên cứu, em sẽ không thể hòa nhập với văn hóa của một doanh nghiệp. Người đứng ngoài văn hóa của doanh nghiệp thì chắc chắn không thể là một người phù hợp với doanh nghiệp” – Giáo sư đã nói với tôi như vậy.
Muốn kiếm được tiền, phải vượt lên nỗi sợ
Sau cuộc trò chuyện với Giáo sư, tôi cũng không tìm ngay được việc. Tuy nhiên, tôi đã biết mình cần phải cải thiện điều gì, để có thể nhanh chóng thoát khỏi trạng thái “ăn không ngồi rồi”.
Thay vì vùi mình trong phòng, dằn vặt bản thân là kẻ thất bại, vừa khóc vừa rải CV, tôi quyết định cho mình “một quãng nghỉ” kéo dài 3 tháng. Trong 3 tháng đó, tôi đăng ký một khóa học diễn thuyết, vừa để bản thân bớt rảnh rỗi, vừa để vượt qua nỗi sợ giao tiếp trước đám đông.
Thật may, trong quá trình đi học, tôi lại được kết nối với một công việc, là trợ lý nghiên cứu cho một vị Tiến sĩ, đang trong quá trình nghiên cứu để lấy học vị Phó giáo sư. Lúc được giới thiệu công việc này, tôi có giác như vận may đã mỉm cười với mình. Nhưng lại một lần nữa, tôi vỡ mộng.
Trước đây, khi nghĩ về công việc mình sẽ làm, tôi luôn hình dung mình sẽ hàng ngày chỉ làm những công việc liên quan tới số liệu, hoặc đọc nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên hiện thực hoàn toàn không giống những gì tôi mơ ước. Dù là biên tập viên hay trợ lý nghiên cứu cho Tiến sĩ, tôi vẫn phải làm việc cùng những người khác. Việc này khiến tôi vô cùng hoảng sợ và mệt mỏi.
Tôi nhận ra việc teamwork khi đi làm hoàn toàn khác việc teamwork khi tôi đi học, một phần vì khi ấy, chúng tôi được học và nghiên cứu những thứ chúng tôi thích, mỗi người chỉ cần làm đủ và làm đúng phần việc được chia, là kết quả học phần đó sẽ rất khả quan. Nhưng đi làm rồi thì không như vậy, người đi làm chịu áp lực về lương, về việc phải “ghi điểm” với cấp trên dù chẳng có bất kỳ một “hệ điểm” nào như vậy. Kết cục, người ngại va chạm, ngại lên tiếng như tôi dần trở thành người vô hình.
Tôi đã rơi vào khủng hoảng khi nhận ra thực tế đó, và dù có muốn hay không, tôi vẫn phải vượt lên nỗi sợ của mình, vì nếu cứ cố chấp với việc phải được làm việc 1 mình thì mới làm, có lẽ, quãng thời gian thất nghiệp của tôi sẽ nối dài hơn nữa. Chưa kể, tôi còn chẳng đủ giỏi và đủ giàu để tự mình thực hiện 1 nghiên cứu, để có thể xin học bổng học Tiến sĩ.
Đúng là đôi khi, chúng ta phải làm những việc mình không thực sự thích, để kiếm tiền, và cũng là để tạo cơ hội cho chính mình, trong việc đạt được những mục tiêu xa hơn.
Theo Ngọc Linh-Theo PNS