Cô bạn này đã chủ động tìm hiểu các kiến thức về tài chính và đầu tư từ sớm.
23 tuổi nghe lời bố mẹ mua căn nhà đầu tiên và thành quả
Ngô Như Nguyệt (SN 2000, chủ nhân kênh YouTube Một Phút Một Chút) đang làm project manager và sống tại TP.HCM. Nói về lần mua căn nhà đầu tiên, Như Nguyệt gói gọn trong 2 chữ “tình cờ”.
Tháng 11/2023 ba mẹ cô nàng gọi điện tâm sự về một căn nhà cũ, giá rất rẻ. Nhược điểm của căn nhà là tình trạng khá tệ do người chủ trước bị tai nạn nên bỏ hoang một thời gian dẫn đến không có ai chăm nom. Ba mẹ khuyên Như Nguyệt “chốt đơn” căn nhà này vì thấy đây là cơ hội tốt để con gái tập tành kinh doanh.
“Sau khi xem xét thông tin mình thấy nhà khá ổn. Vậy là mình đến xem xét tình trạng ngôi nhà, môi trường sống xung quanh và quyết định mua. Trước đó, gia đình mình kinh doanh bất động sản nên ba mẹ có kinh nghiệm trong việc mua bán, quan sát và thương lượng. Nhờ thế, mình học hỏi từ ba mẹ rất nhiều”, Như Nguyệt tâm sự.
Căn nhà Như Nguyệt mua ở quê, nằm trong hẻm, rộng 70m2. Sau khi mua nhà, Nguyệt có sửa chữa lại với mục đích bán lướt sóng. Thời điểm mua nhà, Như Nguyệt dùng hết số vốn 400 triệu đồng để đầu tư vào bất động sản và không cần vay thêm.
“Quan điểm đầu tư của mình khá an toàn. Có ít đầu tư ít, có nhiều đầu tư nhiều. Mình tuyệt đối không vay tiền vì trong thời điểm hiện tại mình chưa tự tin để sử dụng đòn bẩy tài chính. Thêm nữa, mình nhận thấy vay tiền để mua động sản có phần hơi rủi ro vì thị trường này đang chững, trong khi lãi suất ngân hàng lại tăng”, cô nàng nói.
Khi mua nhà, Như Nguyệt đánh giá bất động sản dựa trên 3 tiêu chí. Đó là địa thế (nhà/đất nằm ở khu vực nào, có dân cư hay không, có nguy cơ quy hoạch hay không), tính pháp lý (nhà đất có giấy tờ pháp lý rõ ràng không, đây là loại đất gì, nếu là đất nông nghiệp thì có khả năng lên thổ cư hay không) và tỷ suất sinh lợi của chúng.
“Rất khó để bạn tìm được 1 bất động sản giá vừa rẻ, có tỉ suất sinh lời cao, pháp lý chuẩn chỉnh và nằm ở địa thế tốt. Cho nên phần lớn mình thường sẽ mua những căn nhà giá rẻ, khả năng sinh lời cao, địa thế hợp lý tuy nhiên có một số rủi ro pháp lý nhất định”, Như Nguyệt nói thêm.
Cũng vì là lần đầu tiên tìm hiểu bất động sản nên cô kỳ vọng tỷ suất sinh lời của căn nhà không quá cao, khoảng 11 – 20%. Điều này sẽ giúp tinh thần cô thoải mái hơn, chứ không bị căng thẳng và lo sợ. Gần nhất, Như Nguyệt đã bán lướt sóng căn nhà. Nếu trừ đi tổng chi phí thì cô nàng lời khoảng 30 – 40% giá trị bất động sản nên cô nàng thấy vui với thành quả này.
Nói thêm về chuyện đầu tư bất động sản lần này, ban đầu cô chỉ hy vọng chúng lời hơn mua vàng. Nhiều người thường cho rằng đầu tư bất động sản sẽ lời hơn vàng, thế nhưng từ kinh nghiệm cá nhân của Như Nguyệt, cô thấy quan điểm này chưa hẳn đúng lắm.
“Nếu bạn mua vàng, bạn mất ít công sức làm giấy tờ, ít rủi ro nhưng tỷ suất sinh lợi trong dài hạn vẫn từ 11%-15%. Trong khi đó, đầu tư bất động sản có nhiều rủi ro hơn, chẳng hạn dễ gặp một số trường hợp như tranh chấp nhà đất, bị lừa đảo…
Một số trường hợp khác, giá đất ở một số vùng không tăng lên là mấy. Cho nên nếu quy ra cùng số vốn và thời gian bỏ ra, một số nhà đất có tỷ suất sinh lời cũng chỉ ở mức tương đương với vàng, hoặc đôi khi thấp hơn nếu bạn xui.
Khi đầu tư lướt sóng nhà đất, mình đã bỏ ra công sức và chấp nhận ít nhiều rủi ro rồi. Do đó, mình mong muốn tỷ suất sinh lời sẽ trên 20%. Tất nhiên, nếu không được thì thôi, cũng không sao. Bởi mình nghĩ đã đầu tư là phải chấp nhận rủi ro rồi”, Như Nguyệt bày tỏ.
Sau cùng bàn về đầu tư lướt sóng bất động sản, cô nàng nếu quan điểm: “Đây một hình thức rủi ro nhưng lợi nhuận cao và nhanh. Từ đó, mình lấy vốn để phân bổ cho các hoạt động đầu tư khác. Ngoài lướt sóng, mình còn đầu tư dài hạn vào 1 số bất động sản khác”.
3 nguyên tắc tài chính để mua được nhà
Với Như Nguyệt, tài chính khoẻ mạnh là sự kết hợp của 4 yếu tố: Tăng thu nhập, giảm chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Nếu trước đó, cô nàng không có sự chuẩn bị tài chính tốt bằng 4 yếu tố này thì khi cơ hội tốt đến, Như Nguyệt cũng chẳng thể mua được nhà.
Dưới đây là 3 nguyên tắc đã giúp cô nàng quản lý tài chính và thúc đẩy quá trình mua nhà diễn ra thuận lợi hơn.
– Chủ động tìm hiểu về quản lý tài chính từ sớm
“Khi còn nhỏ, mình đọc truyện cổ tích thì luôn thấy người nghèo là người tốt và người giàu là người xấu. Tự dưng sau này chúng ta suy ra rằng những người thích tiền và những người có nhiều tiền thì không tốt. Lớn lên chúng ta ngại nói về tiền và chúng ta không thích thảo luận các vấn đề liên quan đến tiền. Vì chúng ta coi chúng là ‘chuyện nhạy cảm’.
Ở trong gia đình mỗi lần nhắc đến tiền thì ba mẹ mình sẽ nói kiểu như là ‘Con nít biết gì về tiền đâu. Chỉ cần lo học thôi, đừng nghĩ gì về tiền hết’. Và rồi khi lớn lên, chúng ta cũng không biết gì về tiền”, Như Nguyệt chia sẻ.
Nhận thấy điểm yếu này của bản thân, cô nàng đã tự học thêm kiến thức về tiền bạc và quản lý tài chính. Bước đầu là đọc cuốn sách nổi tiếng Cha Giàu Cha Nghèo (Rich Dad Poor Dad), sau đó tìm hiểu các kênh podcast, cuốn sách khác về chủ đề tài chính.
– Tuân theo nguyên tắc phân bổ thu nhập (sau thuế) là 50/30/20
Từ lâu, cô nàng đã phân bổ thu nhập thành 3 nhu cầu: 50% cho khoản cần, 30% cho khoản muốn và 20% cho khoản tiết kiệm.
Khoản cần là tiền dùng cho những nhu cầu thiết yếu ví dụ như ăn uống, đi lại, nhà ở và y tế… hay đây là những khoản mà bạn không chi thì sẽ không thể nào sống nổi. Khoản muốn là tiền cần dùng cho những khoản chi mang lại niềm vui cho bạn ví dụ như đi ăn, đi chơi, đi cafe và mua sắm… Và khoản 20% cuối cùng là số tiền bạn bắt buộc phải để dành, dùng làm quỹ tiết kiệm, đầu tư hoặc cho trường hợp khẩn cấp.
– Sống tối giản
“Thu nhập mình không cao, chỉ là trên trung bình, nhưng do biết tiết kiệm nên mới có thể có được một số vốn nho nhỏ để đầu tư sau 2 năm đi làm”, cô nàng nhận định.
Trong năm 2022, Như Nguyệt từng chi nhiều để mua quần áo đắt tiền, túi hiệu… Tuy nhiên qua thời gian Như Nguyệt nhận ra chúng không làm người khác tôn trọng mình hơn và mọi người không quan tâm đến cô nàng nhiều như bản thân vẫn nghĩ. Cũng vì thế, cô đã bỏ thói quen mua sắm hàng hiệu, từ đó chuyển sang dùng đồ bình dân.
“Túi Chanel, Gucci mình gửi lại cho chị và không dùng nữa, chỉ dùng mỗi 1 cái túi cói mua sàn thương mại điện tử giá 99k nhưng vẫn xài được tới giờ mấy năm luôn rồi. Quần áo bây giờ của mình rất đơn giản nhưng lịch sự và thuận tiện. Mình hạn chế mua đồ, khi nào cần lắm thì mới mua. Còn nếu không thì cứ sử dụng những gì đã có”.
Bên cạnh đó, cô nàng còn duy trì lối sống tối giản. Điều này không chỉ giúp Như Nguyệt tiết kiệm tiền để hoàn thành mục tiêu tài chính mà còn sống vui hơn.
“Hầu hết các hoạt động như tập thể dục và học tập phát triển bản thân của mình đều không tốn tiền. Mình thường tự học hoặc rủ bạn bè học tập, tập thể dục chung, vừa vui, vừa tiết kiệm. Mình nghĩ, chúng ta không cần phải tiêu tiền nhiều để cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc là khi bạn không cần phụ thuộc vào tiền để làm điều bạn muốn”.
Nói về dự định tương lai, Như Nguyệt cho biết vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi 4 yếu tố của tài chính khỏe mạnh là tăng thu, giảm chi, tiết kiệm và đầu tư. Cô cũng nhận định sẽ còn rất lâu trước khi bản thân chốt mua căn nhà riêng để ở. Vì hiện tại nhu cầu sống của cô nàng rất đơn giản nên chỉ cần một không gian vừa đủ là thoải mái sinh hoạt.
Theo Vân Anh–Phụ nữ mới