Mỗi một phú ông tay trắng dựng cơ đồ đều có lịch sử phát tài khác nhau, nhưng họ đều có 13 ‘thói quen tốt’ giống nhau. Những thói quen tốt này cũng không có gì là xa vời khó thực hiện, ai cũng có thể làm được.
“Một trong những nguyên nhân khiến họ từ những người bình thường chuyển biến thành những người thành công có tài sản triệu đô, tỷ đô chính là các ‘thói quen giàu có’”.
Đoạn viết trên là của Thomas C.Corley, tác gia người Mỹ. Ông đã bỏ ra thời gian 5 năm nghiên cứu những thói quen thường nhật của 177 triệu phú, tỷ phú tự lực cánh sinh, tay trắng dựng cơ đồ.
“Qua nghiên cứu, tôi phát hiện ra thói quen thường nhật của bạn tiết lộ cuộc sống của bạn có thể đạt được thành công hay không” – Corley viết trong tác phẩm mới của ông “Thay đổi thói quen, thay đổi cuộc sống” (Change Your Habits, Change Your Life) rằng: “Thói quen dự báo một quan hệ nhân quả. Thói quen quyết định giàu có, nghèo khó, hạnh phúc, đau buồn, áp lực, quan hệ tốt xấu, có sức khỏe hay không”.
Corley nói: “Rất hay là tất cả những thói quen đều có thể thay đổi và bồi dưỡng được”.
Dưới đây là 13 ‘thói quen giàu có’ của các triệu phú, tỷ phú mà bạn có thể bắt đầu bồi dưỡng ngay từ hôm nay.
Thường xuyên đọc sách
Người giàu càng thích đọc, học tập chứ không thích vui chơi giải trí. Corley viết: “88% người giàu hàng ngày đều đọc sách tối thiểu 30 phút, nội dung chủ yếu là sách tự học và tự tu dưỡng nâng cao bản thân. Đại đa số đều không phải đọc sách để giải trí. Người giàu đọc sách là để thu hoạch tri thức”.
Lời bàn: Thói quen này hoàn toàn khớp với trí tuệ cổ nhân Á Đông: “Hữu thư chân phú quý”, nghĩa là “có sách là giàu có, quý phái đích thực”.
Kiên trì rèn luyện
“76% người giàu kiên trì mỗi ngày vận động ngoài trời 30 phút trở lên” – Corley viết. Vận động ngoài trời bao gồm chạy bộ, chạy ngắn, chạy nhanh, đạp xe…
“Vận động ngoài trời không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp ích lớn cho não” – Corley viết – “Vận động ngoài trời có thể tăng tế bào não. Rèn luyện thể dục còn có thể tăng hàm lượng glucose trong cơ thể, glucose là nhiên liệu cho đại não. Dưỡng chất mà đại não nhận được càng nhiều thì não phát triển càng tốt, và bạn cũng trở nên thông minh hơn”.
Lời bàn: Các hoạt động rèn luyện thân thể ngoài trời như vận động, dưỡng sinh, yoga, khí công… không những giúp cơ thể khỏe mạnh, chịu được áp lực, giúp bộ não linh hoạt, thông minh mà còn rèn luyện ý chí kiên cường bền bỉ. Và chìa khóa của thành công chính là ý chí, như câu cổ ngữ: “hữu chí giả, sự cánh thành”, nghĩa là “người có chí thì sự việc cuối cùng sẽ thành công”.
Kết giao với những người thành công khác
“Bạn sẽ thành công giống như những người bạn thường xuyên kết giao qua lại” – Corley viết – “Người giàu luôn luôn tìm những người có mục tiêu rõ ràng, lạc quan nhiệt tình và tâm thái tích cực để kết bạn”.
Lời bàn: Việc này đúng với câu tục ngữ xưa: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Một câu cổ ngữ khác cũng nói: “Nhân phi hiền bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”, nghĩa là “Người không phải là hiền tài thì không kết giao, vật phi nghĩa thì không lấy”. Những người chính nhân quân tử, hiền năng, họ toát ra một sức mạnh tinh thần, một năng lượng tích cực mạnh mẽ khiến những người xung quanh cũng tự sản sinh suy nghĩ tích cực, lạc quan, hăng hái tiến thủ.
Theo đuổi mục tiêu của riêng mình
“Theo đuổi ước mơ và mục tiêu của riêng mình có thể khiến bạn có cảm giác hạnh phúc lâu dài, cuối cùng sẽ chuyển hóa thành của cải” – Corley nói. Có rất nhiều người phạm phải sai lầm là theo đuổi ước mơ của người khác (ví dụ như của cha mẹ). Người giàu thì không ngừng hoàn thiện mục tiêu của riêng mình, kiên nhẫn và hăng say theo đuổi ước mơ và mục tiêu đó.
“Hăng say khiến công việc trở nên thú vị” – Corley viết – “Hăng say cung cấp cho bạn sức mạnh vượt qua thất bại, sai lầm, bị cự tuyệt và giúp bạn kiên trì”.
Lời bàn: Xác định được cho mình ước mơ, mục tiêu rõ ràng thì chúng ta mới dồn sức mạnh đi theo một hướng, không bị phân tán tâm trí, sức lực ở vạn sự vạn vật xung quanh. Đây cũng chính là việc ‘lập chí’ mà người xưa nói đến. Khổng Tử sở dĩ trở thành bậc thầy của muôn đời (vạn thế sư biểu) chính là ông đá sớm lập được chí hướng: “Ta 15 tuổi lập chí học đạo” (Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học).
Kiên trì dậy sớm
Trong nghiên cứu của Corley, trên nửa số triệu phú, tỷ phú tự lực cánh sinh, tay trắng dựng cơ đồ đều dậy sớm trước giờ làm việc ít nhất 3 giờ đồng hồ. Đây chính là một sách lược giải quyết tình huống đột xuất của công việc trong cuộc sống thường nhật, ví dụ thời gian họp kéo dài, ùn tắc giao thông, phải đến trường đón con bị ốm v.v.
“Những tình huống đột xuất này sẽ có ảnh hưởng tâm lý đối với chúng ta, thay đổi tiềm ý thức của chúng ta, cuối cùng khiến chúng ta cảm giác cuộc sống vượt ngoài kiểm soát” – Corley viết – “Sáng dậy lúc 5 giờ, hoàn thành 3 việc quan trọng nhất của công việc trong ngày, việc này khiến bạn kiểm soát được cuộc sống, đem lại sự tự tin cho bạn”.
Lời bàn: Dậy sớm có nhiều thời gian chuẩn bị cho công việc, và có đủ thời gian đối phó với việc bất ngờ xảy ra. Khi có sự chuẩn bị tốt trước mọi sự việc thì sẽ không bị động, sẽ lựa chọn được phương án thích hợp, tối ưu. Kiên trì dậy sớm cũng thể hiện một ý chí kiên cường và một tâm thái cẩn thận, chuẩn bị cho kế hoạch trong ngày. Người xưa nói: “Hữu bị vô hoạn”, nghĩa là “có chuẩn bị tốt thì không phải lo lắng bất cứ điều gì xảy ra”.
Có nhiều nguồn thu nhập
“Những triệu phú, tỷ phú tay không dựng cơ đồ thường không dựa vào một nguồn thu nhập, họ có nhiều phương thức thu nhập khác nhau. Trong nghiên cứu của tôi, 65% người trong số họ trước khi trở thành triệu phú thì đã có ít nhất 3 nguồn thu nhập”.
Các thu nhập thêm bao gồm cho thuê nhà đất, đầu tư cổ phiếu, nghề phụ, bản quyền v.v.
Lời bàn: Với người khởi nghiệp từ tay trắng thì chỉ một chút tài sản cũng là cả cơ nghiệp, mỗi chuyện làm ăn, đầu tư là cả một canh bạc dốc hết vốn. Dù tính toán giỏi cỡ nào thì vẫn còn yếu tố bất định “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Thế nên, họ sẽ nghĩ mọi cách để có thêm các nguồn thu nhập khác, ngộ nhỡ thua lỗ hết sạch gia tài thì vẫn có thể sống được, không đến mức tuyệt vọng nghĩ quẩn. Đây cũng chính là trí tuệ người xưa: “Thỏ khôn đào ba hang”.
Có thầy riêng
“Tìm được bậc đạo sư riêng cho mình có thể giúp bạn nhanh chóng tích tụ của cải” – Corley viết.
“Bậc đạo sư thành công không chỉ có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của bạn. Bằng việc chỉ dẫn bạn nên làm gì, không nên làm gì, họ chia sẻ với bạn kinh nghiệm thành công có giá trị, những kinh nghiệm từ bài học thành công hay thất bại của chính họ hoặc các bậc thầy của họ”.
Lời bàn: Người xưa nói: “Không thầy đố mày làm nên” và “Nhất tự vi sư bán tự vi sư” (Một chữ là thầy mà nửa chữ cũng là thầy). Người biết kính trọng thầy sẽ tìm được bậc minh sư. Người xưa nói “Minh sư như đèn sáng”, họ là người chỉ đường để chúng ta đi được trên con đường chính, đường thẳng, và tránh được những đường vòng, lầm đường cũng như những cạm bẫy trên đường.
Thái độ nhân sinh tích cực
“Chỉ khi có thái độ tinh thần tích cực thì bạn mới có thể đạt được thành công lâu bền. Trong công trình nghiên cứu của tôi, tích cực vươn lên là đặc trưng của tất cả các triệu phú, tỷ phú tự lực cánh sinh, tay trắng dựng cơ đồ”.
Vấn đề ở chỗ đa số mọi người không thể xác định được suy nghĩ của mình rốt cuộc là tích cực hay tiêu cực. Ông giải thích rằng: “Nếu bạn dừng lại lắng nghe tư tưởng của bản thân, cảm thụ sự tồn tại của nó, bạn sẽ phát hiện ra tuyệt đại đa số suy nghĩ đều là tiêu cực. Nhưng chỉ khi bạn ép buộc mình nhìn rõ nội tâm thì bạn mới ý thức được sự tồn tại của những tư tưởng tiêu cực này. Ý thức được sự tồn tại của chúng là mấu chốt nhất”.
Lời bàn: Có lẽ hầu hết mọi người đều biết suy nghĩ tích cực quyết định đến thành công, thay đổi cuộc đời. Trong tướng mệnh học cũng nói: “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”, nghĩa là “tướng mạo, thần thái, tinh thần con người đều do tâm thái sinh ra, tâm thiện, tích cực thì tướng mạo, thần thái tốt đẹp. Hoàn cảnh xung quanh cũng thay đổi theo tâm thái, tâm thái tốt đẹp, thiện lương, tích cực thì hoàn cảnh, môi trường xung quanh cũng theo đó mà biến đổi”.
Không phải người xuất chúng
Người thành công không phải người xuất chúng, nhưng họ biết tạo ra vòng ảnh hưởng của họ và kéo những người khác vào. Corley nói: “Bạn cần để mình nổi lên, sau đó sáng tạo ra vòng ảnh hưởng của mình và để những người khác gia nhập vào với bạn.
Lời bàn: Người quá xuất chúng, hiển lộ thì có lẽ khó thành công, giống như cái cây cao trong khu rừng thì bị gió bẻ gãy. Người thành công là người bình thường, nhưng tạo ra được bản sắc, sức cuốn hút riêng. Mà sức cuốn hút lớn nhất đối với mọi người chính là nhân cách, lòng bao dung, nhân ái, biết nghĩ cho người khác. Người xưa nói: “Biển dung nạp muôn sông, bao dung nên trở thành rộng lớn”.
Nói năng cử chỉ lễ phép
“Những triệu phú, tỷ phú khởi nghiệp từ hai bàn tay đều nắm vững những nguyên tắc lễ nghi xã hội. Nếu bạn muốn thành công thì cũng phải nắm vững những nguyên tắc này”.
Lễ nghi này bao gồm gửi thư cảm ơn, ghi nhớ những ngày quan trọng (như kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật), nắm vững lễ nghi trên bàn ăn và cách ăn mặc chính xác ở các trường hợp khác nhau.
Lời bàn: “Khổng Tử nói: “Bất tri lễ, vô dĩ lập dã”, nghĩa là “Không hiểu biết về lễ thì không có cách gì tạo dựng được chỗ đứng trong xã hội”. Hiểu lễ nghi thì mới hiểu được các phép tắc xã hội, mới biết hành xử đúng người, đúng lúc, đúng chỗ, đúng trường hợp. Người không hiểu biết lễ nghi thì như kẻ hoang sơ, man di. Người biết lễ nghi mà không thực hành để nội tâm hòa nhập với lễ nghi thì sẽ là giả dối, gượng gạo. Thế nên câu cổ ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” vô cùng chính xác, và vẫn đúng trong xã hội văn minh hiện nay.
Giúp người khác đạt được thành công
“Giúp người khác theo đuổi mục tiêu và ước mơ, đồng thời đạt được thành công, đó cũng khiến bản thân bạn thu được ích lợi. Nếu không có những người thành công khác thì thành công cũng rất khó định nghĩa. Nếu muốn thành công thì cách tốt nhất là giúp người khác thành công”.
Nhưng bạn không nên giúp đỡ tất cả mọi người. Corley nói: “Bạn chỉ nên giúp những người lạc quan, có mục tiêu rõ ràng, tích cực, theo đuổi ước mơ”.
Lời bàn: Người giúp người khác thành công thì chính là người có phẩm đức tốt đẹp, là người quân tử, thế thì ai ai cũng tin tưởng và nguyện ý hợp tác cùng. Khổng Tử nói: “Người quân tử thành tựu việc tốt đẹp cho người khác, không thành tựu việc xấu cho người khác”.
Mỗi ngày giành 15 – 30 phút suy nghĩ
“Suy nghĩ là mấu chốt của thành công của họ” – Corley phát hiện ra điểm này. Người giàu thường ngồi một mình lúc sáng sớm suy nghĩ ít nhất 15 phút.
“Buổi sáng hàng ngày họ thường suy nghĩ rất nhiều sự việc” – Corley giải thích, vấn đề bao gồm sự nghiệp, tài chính, sức khỏe và từ thiện.
Họ thường xuyên tự hỏi bản thân rằng: “Mình làm thế nào mới có thể kiếm được nhiều tiền hơn? Công việc của mình có khiến mình vui thích không? Thời gian rèn luyện của mình có đủ không? Mình còn có thể tham gia được các hoạt động từ thiện nào nữa?”
Lời bàn: Trong 4 câu hỏi hàng ngày họ tự hỏi mình thì có 2 câu quan trọng nhất khiến họ càng thành công hơn, đó là “Công việc có khiến mình vui thích không? Mình còn có thể tham gia được các hoạt động từ thiện nào nữa?”. Câu thứ nhất là kiểm điểm lại các công việc mình đang làm có làm lợi ích cho xã hội, cho người khác không, có trái đạo đức không. Vì chỉ đem lại lợi ích cho người khác, cho xã hội, không trái đạo đức lương tâm thì mới là công việc đem lại cho mình niềm vui đích thực.
Câu thứ hai chính là chìa khóa để giàu có không những bền lâu mà còn giàu có hơn, vì họ hiểu được cội nguồn của của cải đến từ Đức, nên vui lòng hành thiện tích đức, chứ không dùng của cải để thỏa mãn vui thú ham dục cá nhân, không chạy theo những thứ phù hoa xa xỉ. Người xưa nói “Có đức mặc sức mà ăn” chính là như vậy.
Tìm cầu các ý kiến phản ánh
“Vì sợ bị phê bình mà chúng ta rất hiếm khi mong người khác phản ánh ý kiến” – Corley viết – “Nhưng, ý kiến phản ánh là mấu chốt giúp bạn hiểu được mình làm có chính xác hay không. Phản ánh giúp bạn biết mình có ở trên con đường đúng đắn hay không. Nếu ý kiến phản ánh là phê bình thì bất kể là tốt hay xấu, cũng đều là những nhân tố để bạn học tập và trưởng thành”.
Ngoài ra, ý kiến phản ánh khiến bạn thay đổi trọng tâm, thể nghiệm sự nghiệp hoặc con đường mới. Đúng như Corley viết: “Ý kiến phản ánh cung cấp thông tin cho bạn, giúp bạn có thể đạt được thành công trong bất kỳ doanh nghiệp nào”.
Lời bàn: Ý kiến phản ánh là danh từ hiện đại, thời xưa gọi là can gián. Hiếu Kinh có viết:
“Xưa bậc thiên tử có 7 người bề tôi can gián, tuy thiên tử vô đạo, cũng không bị mất thiên hạ”.
“Bậc chư hầu có 5 người bề tôi can gián, tuy chư hầu vô đạo, cũng không bị mất nước”.
“Bậc đại phu có 3 người bề tôi can gián, tuy đại phu vô đạo cũng không bị mất gia tộc”.
“Kẻ sỹ có bạn bè can gián, thì không bị mất thanh danh”.
“Bậc làm cha có con can gián, thì không rơi vào bất nghĩa”.
Là chủ doanh nghiệp thì trong doanh nghiệp họ là vua, cần có bề tôi (cấp dưới) can gián. Với đối tác, với khách hàng thì họ là kẻ sỹ, cần có bạn bè can gián. Trong gia đình thì họ là người cha, cần vợ con can gián.
13 ‘thói quen giàu có’ của các triệu phú, tỷ phú được kể ở trên, giống như Corley nói: “Rất hay là tất cả những thói quen đều có thể thay đổi và bồi dưỡng được”. Bạn cũng muốn trở thành tỷ phú? Vậy thì hãy bắt đầu bằng những thói quen tốt này.
Nam Phương – Theo Cmoney