Khom người trước Seif al-Islam el-Qaddafi, những người đàn ông nguyền rủa cuộc cách mạng, nói rằng tất cả chỉ là sai lầm, rằng Seif và cha ông đều đúng.
Bài viết được lược dịch lại từ bài báo của nhà báo Robert F. Worth, đăng trên tờ New York Times về cuộc gặp với con trai nhà lãnh đạo Libya.
Sự xuất hiện sau một thập kỷ
10 năm trước, ở khu vực gần thị trấn Awbari bị bỏ hoang ở Libya, một nhóm các phần tử vũ trang đã phục kích đoàn xe khi đang chạy theo hướng nam tới Niger. Những tay súng ngăn họ lại và phát hiện một người đàn ông trẻ trọc đầu với cánh tay phải bị quấn băng. Họ nhận ra khuôn mặt vốn thường xuyên xuất hiện trên đài truyền hình Libya: Seif al-Islam el-Qaddafi, con trai thứ hai của nhà lãnh đạo Qaddafi và cũng là mục tiêu chính trong chiến dịch lần này.
Cho đến thời điểm cuộc nổi dậy tại Libya diễn ra vào tháng 2/2011, Seif vẫn được phương Tây kì vọng là hi vọng lớn nhất của nước này trong nỗ lực cải cách. Với vẻ ngoài chỉn chu và vốn tiếng Anh xuất sắc, Seif dường như là hình ảnh đối lập hoàn toàn với cha mình.
Seif đã tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế London, thường bày tỏ sự ủng hộ đối với các nhà khoa học và nói chuyện với những người trẻ Libya về sự văn minh. Một số người bạn phương tây còn nói về Seif như người có thể giải cứu đất nước.
Khi phe đối lập chiến giành chiến thắng, họ đã có thể xử tử Seif như cách mà họ đã làm với cha ông hay các quan chức chính phủ cấp cao khác.
Thay vào đó, Seif đã may mắn được một quân đoàn có tư tưởng khác biệt bắt giữ và bảo vệ khỏi các nhánh quân đối lập khác. Seif sau đó được đưa đến Zintan, cứ điểm của quân đoàn này ở vùng núi phía tây bắc Libya. Việc Toà án Hình sự quốc tế ra lệnh truy nã cũng khiến Seif trở thành một con tin đáng giá, và Seif tiếp tục bị giam giữ kể cả khi Libya tổ chức bầu cử vào 2012.
Đã có những báo cáo rằng Seif được trả tự do bởi những kẻ giam giữ ông, và thậm chí ông còn chuẩn bị tranh cử tổng thống. Nhưng không ai biết vị trí cụ thể.
Trong một ngày oi bức tháng 5, tôi rời khách sạn ở Tripoli để lên chiếc xe sedan màu xám. Người lái xe giới thiệu là Salem. Tôi cảm thấy khá lo lắng sau khi mất hơn 2 năm rưỡi để sắp xếp cuộc phỏng vấn với Seif, dù trước đó cũng thường xuyên trao đổi qua điện thoại. Nhưng nay tôi cảm thấy giọng nói ở đầu dây bên kia khá lạ lẫm. Không một phóng viên nước ngoài nào đã thấy Seif trong hơn 1 thập kỉ qua. Tổ chức Nhân Quyền cho rằng khả năng Seif đã chết từ 2014, hầu hết người tôi gặp ở Libya nói rằng họ không biết về số phận của Seif.
Khi đó đang trong tháng lễ Ramadan, và đường phố thì hầu như không một bóng người. Chúng tôi không gặp bất cứ trạm kiểm soát nào khi rời Tripoli và hướng tới núi Nafusah ở phía tây bắc. Sau 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã tiến tới đồng bằng Zintan. Ở phía cuối ngôi làng, Salem dừng xe lại và nói với tôi cùng phóng viên ảnh ở lại chờ.
Không lâu sau đó, một chiếc xe Toyota Land Cruiser trắng xuất hiện phía sau và một người đàn ông trong bộ quân phục màu trắng xuất hiện. Anh ta nói với tôi bỏ lại điện thoại trong xe của Salem. Chiếc xe Land Cruiser được bọc thép và cảnh cửa nặng tới nỗi nó có thể ngăn cách hoàn toàn âm thanh với bên ngoài. Salem giới thiệu người này là Mohammed, và sau đó trong hành trình 20 phút lái xe, chúng tôi đến một khu dinh thự 2 tầng. Mohammed mở cửa chính và tôi bước vào một lối vào không mấy sáng sủa.
“Chào mừng”, một giọng nói vang lên, một người đàn ông bước ra và chìa tay với tôi.
Không nghi ngờ đó là Seif, dù trông mặt ông có vẻ già hơn với bộ râu dài màu xám. Seif bị mất 2 ngón tay ở bàn tay phải do mảnh đạn vỡ từ một cuộc không kích vào 2011, ông nói. Nếu không có sự kiện nổi dậy, có lẽ Seif giờ đã là người lãnh đạo Libya.
Sau khi yên vị, tôi hỏi Seif liệu ông có còn là tù nhân. Seif nói rằng ông là một người tự do và đang chuẩn bị cho việc trở lại với chính trị. Những kẻ đã bắt ông 1 thập kỉ trước giờ cảm thấy chán ngán với cuộc nổi dậy, Seif nói, và cuối cùng nhận ra rằng ông có thể là một đồng minh hữu dụng.
Seif cười và mô tả sự chuyển biến của mình từ một tù nhân với một hoàng tử chờ đăng ngôi. “Ông có thể tưởng tượng được không”, Seif nói. “Những kẻ từng giam giữ tôi nay lại trở thành bạn tôi”.
Libya 10 năm sau cuộc cách mạng
“Họ đã cướp bóc đất nước này,” Seif nói với tôi. “Không còn tiền bạc, không có an ninh. Không có sự sống. Các trạm xăng thì trống trơn. Chúng tôi xuất khẩu dầu và khí đốt tới Ý, Libya đã giúp thắp sáng một nửa nước Ý, nhưng ở chính trong nước thì bị mất điện thường xuyên. Điều này còn hơn cả sự thất bại”.
10 năm sau cuộc nổi dậy, hầu hết người dân Libya đều đồng ý với nhận định của Seif. Ở Tripoli, khách sạn Grand Hotel, một công trình dang dở nhìn ra phía đại dương, hiện là nơi ở của các con mòng biển.
Đây là một trong những dự án do Seif khởi xướng, nhưng đã bị đình trệ kể từ 2011. Những khung cảnh tương tự lặp lại ở khắp nơi tại Libya, các thế lực nước ngoài ủng hộ nhóm nổi loạn giờ ngần ngại không muốn bỏ tiền vào nơi vốn đầy bất ổn.
Nhiều người dân vẫn sống trong cảnh mất điện hàng tiếng mỗi ngày và không có đủ nước để uống. Tripoli và nhiều thành phố khác bị bao phủ bởi những lỗ đạn dày đặc, gợi nhớ cuộc chiến vẫn chưa từng chấm dứt trong hơn một thập kỉ.
Trong lúc này, mọi thứ đã bình ổn trở lại. Suốt 3 tuần ở đây, tôi đã lái xe khắp phía tây Libya mà không lo về an ninh. Thậm chí mọi thứ dường như đã quay lại trật tự với các cảnh sát mặc sắc phục trên đường phố và sự suy giảm đáng kể các vụ bắt cóc hay ám sát. Đây phần lớn là nhờ công vào các nhà ngoại giao Liên Hợp quốc, những người đã thành công thúc đẩy lệnh ngừng bắn giữ 2 nhóm vũ trang chính của Libya vào tháng 10 năm ngoái, rồi sau đó là các cuộc bàn thảo để thiết lập một chính phủ lâm thời. Dự kiến tháng 12 tới các bên sẽ tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống.
Nhưng nhiều người Libya lo rằng hoà bình sẽ không kéo dài lâu. Nằm dưới vẻ ngoài đoàn kết, Libya vẫn bị chia làm 2, với phía đông bị kiểm soát bởi tướng quân sự Khalifa Hifter. Các nhà lãnh đạo phía tây thì không có đến “một milimet lòng tin” nào với Hifter, Khalid Mishir – Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Libya nói. Cuộc bầu cử, do đó có lẽ sẽ khó làm lành rạn nứt này mà thậm chí còn có thể đẩy Libya quay trở lại cuộc chiến nếu một nhân vật gây chia rẽ nào đó lên nắm quyền. Và Seif có lẽ là người mang tính chia rẽ nhất ở Libya vào lúc này.
Cuộc gặp đặc biệt đánh dấu sự trở lại
Trong những năm đầu bị giam cầm, Seif nói với tôi, ông gần như không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Ông đã sống trong một khoảng thời gian này trong một căn phòng dưới tầng hầm bên dưới một ngôi nhà ở Zintan. Không có cửa sổ, và phần lớn thời gian không biết là ngày hay đêm. Ông hoàn toàn đơn độc.
Rồi một ngày đầu năm 2014, một chuyến thăm đã làm thay đổi tất cả. Hai người đàn ông xông vào căn phòng nhỏ của Seif. Họ muốn nói chuyện.
Hai người đã tham gia vào cuộc nổi dậy chống lại Qaddafi, cậu con trai của một trong 2 người bị bắn vào đầu trong cuộc đấu súng với lực lượng dân quân đối thủ từ Misurata. Họ đã rất cay đắng, và không chỉ vì những mất mát cá nhân của họ. Khom người trong phòng của Seif, những người đàn ông nguyền rủa cuộc cách mạng, nói rằng tất cả chỉ là sai lầm, rằng Seif và cha ông đều đúng.
Nghe họ nói, Seif nói với tôi, ông cảm thấy có điều gì đó đang thay đổi. Cuối cùng, người Libya sẽ trở nên chán ghét đến mức họ sẽ nhìn lại thời kỳ Qaddafi với hoài niệm. Và điều đó, có thể cho Seif một cơ hội để đòi lại tất cả những gì đã mất.
Bất chấp sự hiện diện gần như vô hình, tham vọng tranh cử của Seif được nhiều phía nhìn nhận khá nghiêm túc. Trong các cuộc đàm phán để thành lập chính phủ hiện tại, những người ủng hộ Seif đã được tham gia, và họ đã thành công trong việc loại bỏ quy định vốn cấm ông tham gia tranh cử. Các con số dữ liệu cho thấy phần lớn người dân Lybia, khoảng 57% ở một khu vực, đã bày tỏ sự “tin tưởng” vào Seif. Hai năm trước, thông tin về việc đối thủ của Seif đã bỏ ra 30 triệu USD để ám sát ông bất ngờ xuất hiện.
Hình ảnh của Seif rõ ràng gợi nhớ lại quãng thời gian lãnh đạo của cha mình, một cảm xúc có lẽ xuất hiện không chỉ ở Lybia mà còn ở cả khu vực.
Một đêm ở quán ăn Ramadan iftar, tôi đã hỏi 4 thanh niên Lybia rằng họ sẽ chọn ai làm tổng thống. Ba người trong đó chọn Seif al-islam. Một luật sư Lybia nói với tôi rằng cô đã tự thực hiện một khảo sát không chính thống, và 8 hay 9 trên tổng số 10 người nói rằng sẽ bỏ phiếu cho Seif.
Chiến thắng của Seif nếu diễn ra sẽ là biểu tượng cho sự chiến thắng của những nhà lãnh đạo độc tài của Ả rập, những người đã không tiếc lời chỉ trích phong trào Mùa xuân Ả rập.
Nhưng Seif cũng gặp nhiều khó khăn từ bên ngoài: ông vẫn bị truy nã với tội ác chống lại loài người từ Toà án Hình sự Quốc tế với vai trò của mình trong các cuộc đàn áp vào 2011.
Seif nói với tôi rằng những vấn đề pháp lý sẽ được giải quyết nếu đa phần người dân Lybia chọn ông là nhà lãnh đạo.
Với nhiều người Lybia, việc Seif trở lại sẽ đóng lại cánh cửa của một thập kỉ mất mát. Dù không chắc Seif sẽ mang đến tương lai nào cho đất nước, nhưng ông vẫn luôn là một điều gì đó đặc biệt. Bởi ông từng được Qaddafi chọn là người kế thừa, nhiều người cũng có kì vọng tương tự.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị