Ở Tim Cook có một đặc điểm lãnh đạo quan trọng mà tất cả chúng ta có thể – và nên áp dụng vào những gì mình đang làm.
Một trong những bài học kinh doanh đáng chú ý nhất mà tôi từng học được diễn ra trong một phòng họp ở Cupertino, California. “Người hướng dẫn” là Tim Cook, CEO của Apple.
Tôi đã ở đó với tư cách là một phần của nhóm điều hành tại Adobe, trong một cuộc họp cấp cao nhất với ban lãnh đạo của Apple. Vai trò của tôi trong cuộc họp là khá nhỏ, vì vậy tôi có nhiều cơ hội để lắng nghe và quan sát mọi người trong phòng một cách cẩn thận.
Tim Cook đã khiến tôi rất ngạc nhiên. Anh ấy khiêm tốn và chân thành, dành gần như toàn bộ thời gian của mình để lắng nghe, ghi nhận và gật đầu. Bất cứ khi nào ai đó đặt cho anh ấy một câu hỏi, Tim sẽ chuyển câu hỏi đó đến người điều hành phụ trách lĩnh vực cụ thể đó.
Tim luôn hiểu chính xác những gì đang diễn ra trong cuộc họp. Anh ấy có thể dễ dàng chi phối toàn bộ cuộc trò chuyện – mỗi khi Tim nói, căn phòng chìm vào im lặng theo kiểu háo hức, dù trong vòng một tiếng rưỡi ngày hôm đó, anh ấy chỉ nói vỏn vẹn 20 từ.
Điều mà Tim Cook thể hiện ngày hôm đó là SỰ LẮNG NGHE và đó là điều mà tôi tin rằng mọi quản lý hay lãnh đạo nào cũng đều cần phải có.
Những người chủ động lắng nghe người khác thường để lại ấn tượng tích cực vì họ cho thấy được sự quan tâm và sự tương tác thực sự. Những người như vậy, họ không thúc giục mọi người và họ chủ động dành thời gian để cố gắng hiểu đối phương bằng cách đặt những câu hỏi có ý nghĩa, mang tính hồi tưởng lại. Khi được thực hiện đúng cách, sự lắng nghe giúp mọi người cảm thấy được tôn trọng thay vì cảm thấy bị quản lý.
Tim Cook đã chứng minh rằng lắng nghe là một nghệ thuật quan trọng đối với mọi tương tác, không chỉ đối với các cuộc gặp gỡ trực tiếp.
Làm thế nào để lắng nghe một cách tích cực hơn?
- Bắt đầu với mục đích để hiểu
Lắng nghe tích cực với mục đích “hiểu” giúp tôi tập trung sự chú ý của mình trong các cuộc trò chuyện quan trọng. Có lẽ tất cả chúng ta đều đã từng tham gia các cuộc họp nơi mà dường như không ai lắng nghe nhau và mọi người chỉ chờ đến lượt mình để nói điều gì đó. Trong những tình huống như vậy, phần lớn chúng ta đều nhận thấy rằng vấn đề của mình chưa được lắng nghe hoặc thấu hiểu.
Không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng kết nối và giao tiếp nếu không trở thành trung tâm của cuộc thảo luận, đặc biệt là đối với người phụ trách. Lắng nghe và hiểu sẽ giúp đảm bảo nhu cầu của nhóm được rõ ràng và ý tưởng tốt nhất cho các giải pháp sẽ không bao giờ bị bỏ qua. Lắng nghe sẽ đảm bảo sự tập trung và giúp các nhà lãnh đạo đưa ra được những quyết định sáng suốt nhất tại thời điểm nói.
- Cho người khác cơ hội để tỏa sáng
Một nhà lãnh đạo biết lắng nghe luôn ý thức được rằng họ không cần phải là trung tâm của mọi câu chuyện. Trong quá trình tìm cách hiểu những thách thức và tìm ra các giải pháp tốt nhất, một nhà lãnh đạo cũng mang đến cho những người khác cơ hội để phát triển và tỏa sáng.
Công việc của một nhà lãnh đạo tại bất kỳ công ty nào là làm mọi cách để giúp nhân viên của họ thành công. Sự lắng nghe tới từ cấp trên khiến nhân viên có cảm giác mình được công nhận, từ đó dẫn đến những ý tưởng tốt hơn, các tổ chức có năng lực hơn và tiềm năng thành công lớn hơn.
Lãnh đạo cũng chỉ là một con người, và bạn không thể có được tất cả các câu trả lời. Tim Cook ý thức được rất rõ điều này, anh ấy để các chuyên gia về một vấn đề cụ thể giải đáp các câu hỏi thuộc về chuyên môn của họ thay vì muốn trở thành trung tâm của sự chú ý. Tim để nhân tài được tỏa sáng trong lĩnh vực của họ. Đó là một điểm cộng tuyệt vời.
- Khuyến khích phản hồi hữu ích
Tại BambooHR, chúng tôi luôn hỏi nhân viên công ty có thể làm gì để cải thiện kinh nghiệm làm việc của họ, và chúng tôi nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau.
Với tư cách là những nhà lãnh đạo, chúng ta có trách nhiệm đi sâu vào tất cả các phản hồi và sự đa dạng của các suy nghĩ để tạo ra các chính sách cải thiện cuộc sống của nhân viên. Mỗi năm, tôi trực tiếp đến thăm hàng trăm nhân viên để tìm kiếm ý kiến đóng góp của họ và lắng nghe là một công cụ quan trọng để tìm ra trọng tâm của vấn đề, đồng thời phát triển các giải pháp hành động.
Hạnh phúc của nhân viên cũng là một lĩnh vực mà tôi cần chú ý đến. Phương pháp lắng nghe tích cực giúp các nhà lãnh đạo hiểu được mối quan tâm thực sự của nhân viên và cam kết giải quyết những thách thức đó, đồng thời tạo ra những ảnh hưởng lớn hơn nhiều đến sự gắn bó của nhân viên.
Lắng nghe không có nghĩa là trở thành một nhà lãnh đạo vô hình hoặc yếu kém hơn. Mặc dù có thể nói ít lời hơn bất kỳ người nào khác trong phòng, nhưng mọi vấn đề vẫn được giải quyết một cách vô cùng ổn thỏa, nhờ sự lắng nghe của Tim.
Các nhà lãnh đạo có thể xây dựng nên các công ty vững mạnh khi họ tìm cách “để hiểu” thay vì “chỉ hướng dẫn”, cho người khác thời gian để tỏa sáng và khuyến khích mọi người chia sẻ phản hồi để có thể đưa ra những giải pháp cho vấn đề còn tồn tại. Đưa những phương pháp lắng nghe này vào mọi cuộc họp và tương tác sẽ để lại ấn tượng mạnh mẽ và cho thấy được sự quan tâm, chăm sóc của bạn đối với sự thành công của người khác.
Tác giả của bài viết là Brad Rencher, Giám đốc điều hành của BambooHR, nhà cung cấp phần mềm lưu trữ đám mây hàng đầu trong ngành, chuyên cung cấp nhân tài cho sự phát triển chiến lược của nguồn nhân lực.
Nguồn: Theo Entrepreneur-Như Quỳnh-Theo Phụ nữ Việt Nam