Khi mới 15 tuổi, thành tích Toán học của nhân vật này đã khiến mọi người phải trầm trồ, nhưng hiện tại ra sao?
Đàm Thanh Sơn sinh ra trong một gia đình trí thức vào năm 1969 tại Hà Nội, từ nhỏ đã nổi bật với khả năng toán học xuất sắc. Cha ông là giáo sư Đàm Trung Bảo, chuyên ngành Dược học, còn mẹ là phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Hảo, chuyên ngành Sinh hóa. Ngay từ khi còn học tiểu học, Sơn đã có khả năng giải quyết những bài toán phức tạp, thường vượt xa chương trình học của mình.
Khi tham gia kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế tại Praha, Tiệp Khắc vào năm 1984, Đàm Thanh Sơn đã thể hiện tài năng đặc biệt dù chỉ mới 15 tuổi. Tại đây, Sơn đã xuất sắc đạt điểm tuyệt đối 42/42, lặp lại thành tích vang dội của những đàn anh đi trước như Lê Bá Khánh Trình và Lê Tự Quốc Thắng.
Năm 1985, Đàm Thanh Sơn chuyển hướng sang Matxcova để theo học tại Đại học Tổng hợp Lomonosov. Thay vì tiếp tục con đường toán học, Sơn chọn khoa Vật lý, một quyết định khiến mọi người bất ngờ, nhưng được lý giải bằng niềm đam mê đặc biệt dành cho môn học này.
“Sau khi đọc những cuốn sách phổ biến về vật lý, tôi cảm thấy bị cuốn hút bởi những khái niệm như thuyết tương đối và cơ học lượng tử. Dù yêu toán học, nhưng tôi thấy rằng vật lý là con đường tôi muốn khám phá”, GS Sơn từng chia sẻ với các bạn trẻ.
Những thành tựu khoa học mà Đàm Thanh Sơn đạt được sau này chứng minh rằng lựa chọn của ông không chỉ là quyết định nhất thời, mà là kết quả của sự suy nghĩ sâu sắc và niềm đam mê thực sự với khoa học.
GS Đàm Thanh Sơn hiện là viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội Hoa Kỳ (American Academy of Arts & Sciences) cũng như Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (National Academy of Sciences). Ông cũng là nhà khoa học gốc Việt đầu tiên được trao huy chương Dirac – giải thưởng danh giá nhất của vật lý lý thuyết thế giới.
GS Đàm Thanh Sơn, đang nghiên cứu và giảng dạy tại ĐH Chicago Mỹ, là nhà khoa học gốc Việt Nam đầu tiên được trao huy chương Dirac – giải thưởng danh giá nhất của vật lý lý thuyết thế giới.
Ông là người tiên phong trong việc ứng dụng lý thuyết lưỡng tính trường chuẩn/trọng trường (gauge/gravity duality) để nghiên cứu các hệ đa thể tương tác, từ các nguyên tử bị bẫy đông lạnh ở nhiệt độ cực thấp đến trạng thái plasma của các hạt quark-gluon ở nhiệt độ cực cao.
Những công trình của GS Sơn đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của lý thuyết trường chuẩn (gauge theory), một trong những nền tảng của vật lý hiện đại. Ông đã nghiên cứu sâu về phân bố xác suất Fermi-Dirac và phương trình Dirac, được coi là một trong những phương trình đẹp nhất của vật lý lý thuyết. Phương trình này không chỉ dự đoán sự tồn tại của hạt “phản vật chất” mà còn là sự kết hợp đầu tiên giữa cơ học lượng tử và thuyết tương đối hẹp của Einstein.
Lĩnh vực nghiên cứu của GS Đàm Thanh Sơn rất đa dạng, bao gồm lý thuyết dây, vật lý hạt nhân, vật lý vật chất mật độ cao, và vật lý nguyên tử. Đặc biệt, công trình nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý nguyên tử đã mang về cho ông Giải thưởng Dirac danh giá năm 2018, một minh chứng cho những đóng góp xuất sắc của ông trong khoa học.
Giáo sư Trần Thanh Vân, người sáng lập Hội Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm ICISE, đánh giá cao những đóng góp to lớn của GS Đàm Thanh Sơn trong lĩnh vực vật lý lý thuyết. Ông nhấn mạnh rằng các thành tựu nghiên cứu của GS Sơn không chỉ được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận mà còn giúp ông trở thành một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới, đồng thời là niềm tự hào của người Việt Nam.
Giống như những nhà khoa học gốc Việt khác đang làm việc tại nước ngoài như Phạm Hữu Tiệp hay Lê Tự Quốc Thắng, GS Đàm Thanh Sơn luôn tận dụng uy tín và ảnh hưởng của mình để hỗ trợ cho sự phát triển của ngành vật lý Việt Nam. Hàng năm, ông đều sắp xếp thời gian về nước tham dự hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam”, cùng trao đổi học thuật với các nhà vật lý danh tiếng trên thế giới.
GS Đàm Thanh Sơn và GS Trần Thanh Vân trả lời các câu hỏi của học sinh Việt Nam về nghiên cứu khoa học – Ảnh: DUY THANH
GS Trần Thanh Vân kể lại rằng vào năm 1993, khi Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức, GS Sơn, lúc đó còn là nghiên cứu sinh tại Nga, đã nhận lời mời tham gia. Ông không chỉ trao đổi học thuật mà còn hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên và các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam.
“Trong các kỳ Gặp gỡ Việt Nam sau đó, từ năm 1995, 2000, đến nay, GS Đàm Thanh Sơn luôn dành thời gian và tâm huyết để tham gia, thể hiện sự gắn bó bền chặt với chương trình này. GS Sơn luôn đồng hành để góp phần phát triển khoa học nước nhà,” GS Vân chia sẻ.
Ngoài ra, GS Đàm Thanh Sơn cũng đóng vai trò cầu nối, đưa nhiều sinh viên Việt Nam sang học tập tại Mỹ và các quốc gia có nền khoa học tiên tiến. Năm 2007, khi Việt Nam đăng cai kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 48, GS Sơn trở về làm giám khảo. Năm 2008, trong kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế, ông là một trong ba giáo sư vật lý Việt Nam được mời vào Ban tổ chức.
Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu và giảng dạy, GS Đàm Thanh Sơn còn đam mê truyền bá kiến thức khoa học, đặc biệt là Toán học và Vật lý. Trang web cá nhân của ông như một tạp chí nhỏ, nơi ông đăng tải những bài viết với lời giải thích rõ ràng và dễ hiểu. Khi tạp chí Epsilon, một tạp chí online dành cho người yêu Toán, ra mắt, GS Sơn đã cho phép đăng lại nhiều bài viết của mình và đưa ra các gợi ý chủ đề hấp dẫn. Thỉnh thoảng, ông cũng tham gia các cuộc thảo luận toán học vui trên Facebook, chia sẻ những lời giải độc đáo và thú vị.
Bản thân ông từng chia sẻ rằng: “Làm khoa học đôi khi có những điểm mà mình không hiểu, mình có thể tốn rất nhiều thời gian. Cách tốt nhất là hỏi thầy và những đồng nghiệp để nhanh chóng vượt qua. Giao tiếp và công tác với thầy và đồng nghiệp là rất quan trọng. Kinh nghiệm của tôi là thế.”
(Tổng hợp)-Phương Thùy-Đời sống Pháp luật